Đây là một trong chuỗi các sự kiện mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản và 30 năm hoạt động Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định: Với sự hỗ trợ, hợp tác từ JICA, UBCKNN đã cơ bản đạt được các mục tiêu đầu ra tương ứng với các phần cấu trúc của Dự án.
Năng lực của UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán liên quan đến công tác quản lý, giám sát thị trường (bao gồm các năng lực về thanh tra, giám sát các trung gian thị trường, quản lý niêm yết và quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng) được nâng cao, qua đó cải thiện tính công bằng, minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam và bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động của thị trường.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng gấp đôi, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong những tháng cuối năm 2022 cho thấy sức hút ngày càng lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong và ngoài nước.
Các kết quả này đã giúp thực hiện hóa “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020” cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của Chính phủ Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết: Tiếp nối những thành công đã đạt được, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán, hướng tới các mục tiêu tiếp theo trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021- 2030.
UBCKNN đã đưa ra các giải pháp để đạt được các mục tiêu trong định hướng xây dựng Chiến lược nêu trên, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Trên cơ sở đó, UBCKNN, dưới sự hỗ trợ của JICA, đang chuẩn bị bước vào Dự án tiếp theo là “Nâng cao năng lực thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam”, dự kiến bắt đầu vào tháng 4/2024.
Kinh nghiệm phát triển thị trường của Nhật Bản
Trao đổi với báo chí về kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn JICA /Tư vấn trưởng, Viện nghiên cứu Daiwa cho rằng, yếu tố cần thiết để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán, không chỉ riêng đối với Nhật Bản, là việc đảm bảo tính “công bằng”, “hiệu quả” và “minh bạch”.
Vấn đề này cũng đã được trình bày trong phần Mục tiêu và Nguyên tắc của IOSCO (Tổ chức Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán). Nhìn từ góc độ này, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết, nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các công ty chứng khoán và củng cố chức năng thị trường sơ cấp (niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng).
“Một số thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác mà tôi cho rằng Việt Nam nên cân nhắc áp dụng, gồm: Phát huy vai trò của các tổ chức tự quản (SRO) để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán; củng cố việc thẩm định công ty niêm yết, trong đó tích hợp cả thẩm định định tính để nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về dựng sổ và bảo lãnh phát hành đối với chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động gây quỹ cũng như tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài”, ông Kojima Kazunobu nói.
Đánh giá về thị trường Việt Nam, chuyên gia của JICA cho rằng: Về lâu dài, giá cổ phiếu sẽ biến đổi dựa trên tiềm năng phát triển của từng doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung; nhưng về ngắn hạn, mối quan hệ cung cầu sẽ có tác động lớn hơn.
Vị chuyên gia này cho rằng, dự án của JICA sẽ hỗ trợ một phần trong việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong nước thông qua việc thúc đẩy áp dụng các biện pháp giám sát thị trường, giám sát công ty chứng khoán, cải thiện hoạt động quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng và niêm yết; nâng cao nhận thức bảo vệ nhà đầu tư…
Trong hơn 2 thập kỷ qua, JICA đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật và tài chính. Đối với lĩnh vực chứng khoán, JICA đã và đang hỗ trợ nhiều hoạt động nâng cao năng lực, bao gồm hợp tác nghiên cứu, khảo sát và đào tạo về thị trường trái phiếu cũng như thị trường cổ phiếu.
Trên cơ sở thành quả dự án, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán và các bên liên quan thông qua hợp tác kỹ thuật, để nâng cao hơn nữa tính công bằng, minh bạch cũng như hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hợp tác phát triển mới.
Theo Huy Thắng – VietnamBiz