in

Thoả thuận ngũ cốc của Nga và Ukraine đổ vỡ, ai có thể cứu thế giới khỏi khủng hoảng lương thực?

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Hiện tại, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang hy vọng Trung Quốc có thể giúp giải quyết hiệu ứng tai hại từ việc Nga rút khỏi thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine, tờ CNBC đưa tin.

Sau gần một năm tham gia thoả thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian dàn xếp, Nga đã rút lui vào tháng trước. Moscow bày tỏ sự thất vọng rằng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chỉ có lợi cho Ukraine.

Trên mạng xã hội Facebook, Bộ Ngoại giao Nga từng tuyên bố: “Chỉ khi nhận được kết quả cụ thể, chứ không phải những lời hứa hẹn và đảm bảo, chúng tôi mới sẵn sàng xem xét nối lại thoả thuận”.

Hôm 2/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng thông tấn Tass cho biết ông Putin đã vạch rõ lập trường của Moscow, nhấn mạnh rằng việc gia hạn thoả thuận là vô nghĩa nếu các điều kiện của Nga không được đáp ứng.

Tuy nhiên, ông Putin bày tỏ rằng Moscow sẵn sàng quay lại thoả thuận sau khi phương Tây đã thực sự hoàn thành tất cả các nghĩa vụ liên quan.

Theo điều khoản của thoả thuận, hải quân Nga ở Biển Đen sẽ nới lỏng phong toả và thiết lập một hành lang nhân đạo trên biển, cho phép hơn 1.000 con tàu chở gần 33 triệu tấn lúa mì, lúa mạch, ngô và bột hướng dương của Ukraine đi qua.

Trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Trung Quốc – một trong những đồng minh chiến lược nhất của Nga và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – là một trong các nước nhập khẩu nhiều nông sản của Ukraine nhất.

Kể từ khi thoả thuận có hiệu lực vào tháng 7 năm ngoái, các cảng của Trung Quốc đã tiếp nhận khoảng 8 triệu tấn nông sản của Ukraine, là một khối lượng khá lớn theo dữ liệu do Liên Hợp Quốc cung cấp.

Chia sẻ với CNBC, ông David Riedel, người sáng lập hãng tư vấn Riedel Research Group, nhấn mạnh: “Trung Quốc là nước mua nhiều ngũ cốc của Ukraine nhất và do đó khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sụp đổ, áp lực lạm phát giá lương thực tại nước này sẽ rất lớn”.

“Trung Quốc có thể đã dự trữ được một ít ngũ cốc trước khi thoả thuận đổ vỡ,  nhưng có thể chỉ đủ dùng cho vài tuần chứ không phải vài tháng. Tôi rất lo ngại về tình hình lạm phát lương thực ở đất nước tỷ dân này”, ông Riedel nói thêm.

Ông Zhang Jun, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, cho biết thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen có “tác động tích cực đến việc duy trì an ninh lương thực toàn cầu”.

Vị quan chức kêu gọi các bên ngay lập tức nối lại hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine, cũng như với các sản phẩm phân bón của Nga.

“Trung Quốc hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn và gặp nhau”, ông Zhang nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì.

Tại đó, ông Blinken đã chỉ trích việc Nga rút khỏi thoả thuận và tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để kiềm chế cuộc khủng hoảng lương thực phát sinh một phần từ sự sụp đổ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

“Kể từ khi Nga từ bỏ thoả thuận vào ngày 17/7 và phớt lờ lời kêu gọi của thế giới, giá ngũ cốc đã tăng hơn 8% trên phạm vi toàn cầu”, ông Blinken cho hay trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

“Và phản ứng của Nga trước nỗi đau khổ và phẫn nộ của thế giới là gì? Là đánh bom các kho thóc của Ukraine, đặt mìn ở lối vào các cảng biển, đe doạ tấn công bất kỳ con tàu nào ở Biển Đen, bất luận tàu mang cờ gì, chở hàng hoá nào”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Theo Khả Nhân – VietnamBiz

Chiêm ngưỡng trung tâm thương mại lớn nhất của Lotte tại Việt Nam

Náo loạn vì ETF, dòng tiền đỡ rất khỏe