in

Náo loạn vì ETF, dòng tiền đỡ rất khỏe

Kiểu mua bán của các quỹ ETF nội lẫn ngoại có đặc trưng là đổ dồn vào đợt đóng cửa bằng các lệnh ATC. Vì vậy giá dự kiến thay đổi rất nhanh, thường là kịch sàn ở những cổ bị xả hoặc kịch trần ở mã được mua thêm. Diễn biến bất ngờ này có thể lôi kéo khá nhiều lệnh mua bán đối ứng khi nhà đầu tư đột nhiên thấy biến động rất hấp dẫn.

Dù vậy theo thời gian thì cung cầu vào thêm càng lúc càng hiệu quả, dẫn đến sự cân bằng. VN-Index đóng cửa chỉ thay đổi -1,3 điểm so với mức chốt của đợt khớp lệnh liên tục. VN30 đóng cửa đóng cửa cũng chỉ thay đổi +1,3 điểm. Như vậy cung cầu hầu như không chênh lệch thái quá so với thời điểm bình thường trước đó và giá biến động rất ít.

Dĩ nhiên cũng có một số cổ phiếu chịu áp lực và phải tụt giá. FPT chẳng hạn, ước tính các quỹ xả ròng 1,18 triệu cổ, ban đầu đợt ATC giá còn rơi xuống kịch sàn, tuy nhiên sau đó có lệnh mua vào đối ứng kéo dần giá lên. Đóng cửa FPT giảm 0,48% so với tham chiếu. PDR, NVL là hai mã bị loại khỏi rổ VN30 đợt này tất nhiên lượng bán rất lớn nhưng bên mua còn nhiều hơn. NVL đóng cửa giá kịch trần, PDR khớp ATC tới 4,46 triệu cổ nhưng giá vẫn tăng 4,91%. TCB bị xả khổng lồ 6,47 triệu cổ đợt cuối và giá cũng hạ độ cao đáng kể, còn tăng 0,3%…

Hiện tượng biến động giá mạnh ở đợt đóng cửa là một nhân tố kích thích dòng tiền vào mua, đặc biệt ở những cổ phiếu đột nhiên rơi thẳng xuống giá sàn. Kết hợp với giao dịch ETF, chiều nay sàn HoSE tăng vọt thanh khoản 53% so với phiên sáng, đạt 13.347 tỷ đồng. Tính chung cả HNX, thanh khoản phiên chiều tăng 51%, đạt 14.378 tỷ đồng.

Dưới tác động của giao dịch ETF trong đợt ATC, không phải tất cả các cổ phiếu blue-chips đều tăng mạnh.
Dưới tác động của giao dịch ETF trong đợt ATC, không phải tất cả các cổ phiếu blue-chips đều tăng mạnh.

Mức giao dịch lớn phiên chiều cũng đã bù đắp lại thanh khoản thấp buổi sáng. Tính chung cả ngày, hai sàn niêm yết khớp lệnh gần 22,9 ngàn tỷ đồng, tuy vẫn thấp hơn 2 phiên đầu tuần (24,2 ngàn tỷ và 27,5 ngàn tỷ) nhưng cũng là mức rất cao.

Hai cổ phiếu giao dịch ngàn tỷ phiên này là NVL với 1.5596 tỷ đồng và VIC với 1.310,9 tỷ đồng. Cả hai đều đóng cửa giá kịch trần. Ba cổ phiếu thanh khoản cao nhất kế tiếp là DIG với 956,6 tỷ giá tăng 5,08%; PDR với 639,1 tỷ đồng giá tăng 4,91%; DXG với 602,5 tỷ đồng giá tăng 3,74%. Như vậy Top 5 mã thanh khoản lớn nhất thị trường hôm nay toàn là các cổ phiếu bất động sản và giá cũng rất mạnh.

Không chỉ vậy, nhóm bất động sản chứng kiến cả loạt cổ phiếu kịch trần như HQC, VIC, NVL, HPX, TCH. Ngoài ra hàng chục mã khác tăng 3% tới 6%. Rổ cổ phiếu VNREAL sàn HoSE tuy chỉ bao gồm 42 mã nhưng thanh khoản khớp lệnh tới gần 6.268 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng giá trị sàn. Chỉ số đại diện rổ cũng tăng 4,18%.

Thị trường phiên chiều diễn biến tích cực ngay cả trước khi có giao dịch ETF. VN-Index tăng đạt đỉnh 5 phút trước khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục. ATC có lực ép ở một số mã lớn phải lùi giá nên chỉ số tụt  nhẹ xuống. Dù vậy độ rộng giữa hai thời điểm không khác nhau nhiều. Cụ thể, lúc 2h30, VN-Index ghi nhận 355 mã tăng/120 mã giảm, đóng cửa là 343 mã tăng/127 mã giảm. Nói đơn giản thì sức ép trong đợt ATC chỉ đủ làm biến động trong vùng giá đang có, không đủ thay đổi màu giá ở diện rộng.

VN-Index đóng cửa tăng 1,24% tương đương 15,03 điểm, chỉ kém biên độ tăng của phiên đầu tuần một chút. Chỉ số chốt tại 1.225,98 điểm, nếu tính theo giá đóng cửa thì đã cao hơn đỉnh gần nhất ngày 31/7 (đóng cửa tại 1.222,9 điểm). Tuy nhiên xét theo dao động tối đa thì đỉnh cao nhất chỉ số chạm tới là 1.234,5 điểm hôm 1/8. VN-Index cần phải vượt qua mức này để có thể thiết lập đỉnh cao mới.

Theo Kim Phong – VNEconomy

Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land… đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu

Doanh nghiệp hoạt động thế nào sau khi Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn chấm dứt thí điểm?