in

Ngân hàng Mỹ First Republic bị rút 100 tỷ USD tiền gửi trong 1 tháng

Khách hàng đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi từ First Republic Bank trong tháng 3, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ gây chấn động toàn cầu. Đây là thông tin được First Republic tiết lộ vào ngày 24/4, ngay lập tức khiến giá cổ phiếu của nhà băng khu vực này giảm tới hơn 20%.

Nếu tính cả quý 1, lượng tiền gửi tại First Republic giảm 72 tỷ USD, tương đương giảm 40%. Tuy nhiên, con số này đã bao gồm cả “phao cứu sinh” tài chính là 30 tỷ USD mà các ngân hàng lớn của Mỹ gửi vào First Republic để củng cố niềm tin vào ngân hàng đang lung lay này.

First Republic cho biết tình trạng rút tiền đã ổn trong tháng này nhưng lượng tiền gửi tiếp tục giảm nhẹ. Ngân hàng này bị rút tiền mạnh hơn nhiều so với các ngân hàng đối thủ khác. Hầu hết các ngân hàng khu vực khác ở Mỹ đều báo cáo lượng tiền gửi bị rút ở mức một con số trong quý đầu năm.

Tiết lộ trên đã khiến cổ phiếu First Republic giảm tới hơn 20% trong phiên giao dịch ngoài giờ tại thị trường New York, sau khi phiên giao dịch chính thức của ngày thứ Hai đã kết thúc. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã mất hơn 90% giá trị.

First Republic cho biết sau đợt rút tiền ồ ạt trong tháng 3, tỷ trọng tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm thuộc ngân hàng này – vốn dĩ cao hơn so với ở các ngân hàng đối thủ – đã giảm từ 68% xuống còn 27%. Con số này không bao gồm 30 tỷ USD tiền gửi của các ngân hàng lớn.

Cùng ngày 24/4, First Republic cho biết sẽ giảm tới 25% số nhân viên trong vòng 2 tháng tới đây để cắt giảm chi phí. Vào thời điểm cuối năm ngoái, First Republic có khoảng 7.200 nhân viên. Ngân hàng này cũng có kế hoạch giảm chi phí thông qua giảm diện tích văn phòng cùng các dự án và hoạt động không thiết yếu.

Số phận của First Republic đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư và phân tích sau khi ba ngân hàng Mỹ gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank lần lượt “sập tiệm” trong tháng 3. Nhiều người đã lo ngại First Republic sẽ là mắt xích tiếp theo bị đứt gãy trong cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, với sự can thiệp khẩn cấp của cơ quan chức năng Mỹ và sự hỗ trợ của 12 ngân hàng lớn, First Republic đã trụ vững được cho tới thời điểm này.

Trong một tuyên bố ra ngày 24/4, First Republic cho biết đang rà soát “các lựa chọn chiến lược”. Một số nhà ngân hàng ở Phố Wall dựa báo First Republic có thể đang cân nhắc bán lại toàn bộ hoặc một phần.

Quý 1 năm nay, lợi nhuận của First Republic giảm hơn 1/3, còn 229 triệu USD, nhỉnh hơn so với kỳ vọng của giới phân tích, trong đó lợi nhuận ở mảng cho vay giảm hơn 20% dù lượng vốn vay cấp mới tăng nhẹ.

Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ điểm tín nhiệm cổ phiếu ưu đãi của First Republic nhưng giữ nguyên định hạng tín nhiệm của ngân hàng này. Moody’s cho biết First Republic đang nằm trong một danh sách các tổ chức phát hành nợ cần được rà soát và có khả năng bị giảm điểm tín nhiệm.

Theo Moody’s, các vấn đề ở First Republic đã ổn định, nhưng “chặng đường dài để ngân hàng này trở lại với lợi nhuận bền vững vẫn còn bấp bênh”.

Tháng trước, tờ báo Financial Times nói rằng biến động trong hàng ngũ lãnh đạo của First Republic vào năm ngoái đã khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng thiếu người cầm quân giỏi giữa lúc lãi suất tăng nhanh. Điều này khiến First Republic hứng thua lỗ nặng ở danh mục đầu tư chứng khoán.

Ông Jim Herbert, 79 tuổi, nhà lãnh đạo lâu năm của First Republic , đã nghỉ ốm vào táng 12/2021. Một tháng sau, ông Hafize Gaye Erkan, người vốn được đào tạo để kế nhiệm ông Herbert, rời bỏ First Republic.

Theo Bình Minh – VNEconomy

Các nhà sản xuất màn hình hàng đầu của Đài Loan cắt giảm sản xuất thiết bị tiêu dùng

EU phê duyệt quy định toàn diện đầu tiên về tiền điện tử