Tuần trước, công ty sản xuất tấm nền Innolux cho biết họ đang ngừng hoạt động sản xuất tại nhà máy màn hình đi-ốt tinh thể lỏng (LCD) thế hệ 5,5 tại Đài Loan. Trong khi đó, Tập đoàn điện tử Au Optronics AUO đang tìm cách tái sử dụng nhà máy bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất màn hình máy tính xách tay của họ sang một cơ sở khác trên đảo.
Các động thái này cho thấy ngành công nghiệp màn hình đã bước vào giai đoạn củng cố năng lực, do nhu cầu làm việc và học tập tại nhà trong thời kỳ đại dịch giảm dần. Samsung Display đã ngừng sản xuất màn hình LCD trong năm ngoái để tập trung vào các màn hình cao cấp hơn. Bên cạnh đó, LG Display được cho là đang bán nhà máy LCD của họ tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Màn hình giống như chip bộ nhớ được coi là hàng hóa thông thường. Giá cả màn hình cực kỳ nhạy cảm với nhu cầu điện tử tiêu dùng và ngành điện tử này dễ bị dư thừa nguồn cung. Dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu IDC cho biết năm ngoái các lô hàng PC toàn cầu đã giảm 16,5% xuống còn 292,3 triệu chiếc. Trong khi đó, năm 2021 nhu cầu tiêu dùng PC tăng 14,8% lên 349 triệu chiếc.
Tập đoàn điện tử AUO đã ghi nhận ba quý lỗ ròng liên tiếp, với tổng trị giá 21,1 tỷ đô la Đài Loan tương đương 690,8 triệu USD trong năm 2022, do nhu cầu giảm mạnh kể từ quý 2 năm ngoái. Bên cạnh đó, ngày 18/4 Innolux cho biết tập đoàn đã ghi nhận khoản lỗ ròng quý thứ tư liên tiếp.
NỖ LỰC TÌM KIẾM HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI
Trong đại dịch, cả hai nhà máy đều hoạt động hết công suất khi ngành công nghệ gặp phải tình trạng thiếu chip và linh kiện chưa từng có do nhu cầu tăng cao.
“Hiện nay, thị trường điện tử tiêu dùng đã bão hòa, đặc biệt là đối với những sản phẩm IT như máy tính xách tay” Jim Hung, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Innolux chia sẻ với các phóng viên tại triển lãm trưng bày hàng năm Touch Taiwan. “Chúng tôi đang dần cho nhà máy ngừng hoạt động và giảm tỷ lệ sử dụng sản xuất cũng như nhân viên ở đó. Quá trình chuyển đổi có thể mất sáu tháng đến một năm”.
Công ty giải thích rằng nhà máy này không thể chuyển sang sản xuất màn hình ô tô, một trong những trọng tâm kinh doanh của Innolux trong những năm gần đây, vì dây chuyền sản xuất màn hình thế hệ 5,5 không thể thích ứng với các dòng màn hình thế hệ 5 và 6 chính cho màn hình ô tô.
Một lựa chọn mà Innolux đang xem xét là chế tạo ăng-ten bằng thủy tinh cho các máy thu trên mặt đất được sử dụng với các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của trái đất, nhưng “bất kể chúng tôi tạo ra sản phẩm nào trong tương lai thì tỷ lệ sử dụng sẽ không cao như trong những năm đầu của đại dịch Covid” Hung nói.
Giám đốc điều hành AUO Frank Ko cho biết nhà máy của công ty ở quận Longtan thuộc thành phố Đào Viên phía bắc Đài Loan sẽ dần chuyển từ sản xuất màn hình máy tính xách tay sang sản xuất màn hình micro-LED tiên tiến, có giá trị cao và phù hợp với mục tiêu theo đuổi các công nghệ tiên tiến hơn của AUO.
Chủ tịch Paul Peng cho biết AUO đã đầu tư vào công nghệ micro-LED từ đầu năm 2015 và đã bắt đầu sản xuất màn hình quy mô nhỏ để sử dụng trong các thiết bị đeo được và TV. Ông cho biết công ty cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất ô tô sử dụng loại màn hình này.
Các nhà sản xuất màn hình đang nỗ lực tìm kiếm các ứng dụng có giá trị hơn của màn hình vào các lĩnh vực khác nhau sau suy thoái kinh tế. Ngoài màn hình ô tô và các ứng dụng y tế, các nhà sản xuất màn hình như Innolux và BOE của Trung Quốc đã phân bổ nguồn lực để nghiên cứu các công nghệ đóng gói chất bán dẫn tiên tiến trong những năm gần đây.
Innolux đã ký một thỏa thuận với Vedanta để giúp công ty có trụ sở tại Mumbai xây dựng một dây chuyền sản xuất màn hình phẳng ở Ấn Độ và giúp cấp phép sở hữu trí tuệ của họ. Công ty cho biết họ dự kiến sẽ khởi động một dự án với Tập đoàn Vedanta vào tháng 6 sau khi nhận được sự chấp thuận trợ cấp của chính phủ Ấn Độ.