in

Giải ngân đầu tư công năm 2023 dự báo đạt ít nhất 85% kế hoạch

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 7/2023 đạt 58.536 tỷ đồng, tăng 28,09% so với cùng kỳ và 7,45% so với tháng trước. Như vậy, lũy kế 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn NSNN đạt 291.130 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ và hoàn thành 41,3% kế hoạch cả năm.

BVSC nhận định giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh và diễn ra rất tích cực và cho rằng đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong các tháng tới, khi giá trị giải ngân đầu tư công thường tăng tốc trong các tháng cuối năm.

Theo BVSC, tỷ lệ giải ngân tới thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước (trung bình giai đoạn 2014-2022 đạt 48%).

“Với dư địa vẫn còn lớn (trên 435.000 tỷ), cao hơn tới 59% so với cùng kỳ, lượng giải ngân trung bình mỗi tháng còn lại của năm 2023 sẽ phải đạt hơn 84.000 tỷ để có thể hoàn thành 100% kế hoạch.

Chúng tôi thiên về kịch bản giải ngân cả năm nay sẽ hoàn thành 85-95% kế hoạch, tương ứng với mức giải ngân trung bình mỗi tháng còn lại là khoảng 63.000 đến 77.000 tỷ đồng”, BVSC dự báo.

 

 

 

 

 

Trong báo cáo mới đây báo cáo Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 6 tháng, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2023, Bộ Tài chính cho biết tổng kế hoạch vốn năm 2023 là trên 808.179 tỷ đồng, bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài các năm trước chuyển sang (54.123 tỷ đồng).

Ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 7 là trên 284.238 tỷ đồng, đạt 35,17% kế hoạch.

Riêng nguồn vốn thuộc kế hoạch 2023, ước thanh toán đến hết tháng 7 đạt trên 267.625 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch (cùng kỳ 2022 đạt 31,61% kế hoạch) và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 34,47%).

Ngoài ra, lũy kế thanh toán kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2023 đến hết tháng 7 đạt 16.613,2 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch.   

Cũng theo Bộ Tài chính, có 12 bộ và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên trung bình của cả nước.

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,3%), Long An (54,29%), Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (63,38%), Ngân hàng Chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (47,14%).

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 40 bộ và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ trung bình của cả nước, trong đó, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.       

 

Theo Anh Đào – VietnamBiz

PGS.TS Trần Đình Thiên: BĐS cần những giải pháp khác thường…với dự án tốt nhưng đang vướng, Nhà nước có mua lại để tạo lòng tin cho doanh nghiệp, người mua?

Việt Nam nhảy vọt 95 bậc thứ hạng toàn cầu, đón FDI khủng từ ‘đại bàng’: Chuẩn bị cú lộn ngược dòng ngoạn mục