in

EU cấm nhập khẩu hàng hóa gây mất rừng: Những nông sản nào của Việt Nam sẽ chịu tác động?

Thông tin trên được ông Rui Ludovino -Tham tán thứ nhất Các Chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nêu lên tại tọa đàm “Sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng”, diễn ra vào cuối giờ chiều 25/4/2023.

Tọa đàm này do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) tổ chức bên lề Hội nghị toàn cầu Hệ thống lương thực thực phẩm lần thứ 4. Tọa đàm nhằm chia sẻ các thông tin mới nhất từ Liên minh Châu Âu (EU) về các bước chuẩn bị thực hiện Quy định hàng hóa không gây mất rừng của EU.

NGÀNH GỖ VÀ CÀ PHÊ SẼ CHỊU TÁC ĐỘNG BỞI QUY ĐỊNH MỚI CỦA EU

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết canh tác nông nghiệp được nhận định là một trong những ngành sử dụng đất ở quy mô lớn. Việc mở rộng diện tích đất nhằm phát triển nông nghiệp hiện nay trên trên thế giới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất rừng, thu hẹp diện tích đất rừng.

Trong bối cảnh đó, trên 140 quốc gia chiếm 90% diện tích rừng toàn cầu cũng là các bên ký kết Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất và rừng, cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Đồng thời, mang lại sự phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông thôn bao trùm.

Do đó, sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản cần phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng.

Tọa đàm “Sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng”.
Tọa đàm “Sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng”.

Để cụ thể hóa các cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất, châu Âu thông qua các dự luật nhằm cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng. Theo đó, các công ty xuất, nhập khẩu sẽ phải truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhập khẩu bán trên thị trường châu Âu có sản xuất tại các khu vực bị mất rừng hay không.

“Việc sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản cần phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị. Theo đó, không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng. Đồng thời, tăng cường trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế về các thực hành tốt để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam theo hướng bền vững, không gây mất rừng trong thời gian tới”, ông Bảo nhấn mạnh.

 

“Ngành gỗ và cà phê sẽ bị tác động lớn bởi quy định của EU. Do đó, các quốc gia cần có hệ thống theo dõi để đảm bảo sản phẩm nông sản được sản xuất không có dính dáng gì đến mất rừng trong chuỗi cung ứng”.

Ông Rui Ludovino, Tham tán của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EC) tại Việt Nam.

Chia sẻ các quy định mới nhất từ Liên minh Châu Âu, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất Các Chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội Phái đoàn Liên minh châu Âu (EC) tại Việt Nam, cho biết EC vừa đưa ra dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng.

Dự luật này sẽ phải thi hành sau 18 tháng công bố, tức là vào khoảng tháng 12/2024 hoặc chậm nhất tháng 1/2025 sẽ có hiệu lực. Riêng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa cần phải biết thời hạn này để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.

“EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình. Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng nhờ các chính sách bảo vệ rừng. Nhưng Việt Nam cần tăng cường hơn nữa trong chuỗi cung ứng để sản phẩm nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU”, ông Rui Ludovino lưu ý.

HIỆP ĐỊNH VPA/FLEGT LÀ “LÁ CHẮN” CHO VIỆT NAM

Theo ông Rui Ludovino, Việt Nam đang thực hiện Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU (Hiệp định VPA/FLEGT); trong đó, có quy định về pháp lý, về phát triển bền vững ngành gỗ.

“Hiệp định VPA/FLEGT là điểm mạnh của Việt Nam, cho phép Việt Nam có quy trình quản trị về rừng. Đây là cơ sở quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, các ngành khác có thể noi theo như: cao su, cà phê…”, ông Rui Ludovino nói.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam, cho biết UNDP Việt Nam đã và đang hỗ trợ Việt Nam quản lý rừng và cảnh quan bền vững thông qua nhiều chương trình và dự án trong hơn 20 năm qua.

 

“Để phát triển bền vững không gây mất rừng, Liên minh châu Âu tài trợ thông qua UNDP, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hai tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng triển khai dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Việt Nam”.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam.

“Thay vì đưa ra các chính sách, luật, quy định và chương trình hoàn toàn mới để đáp ứng các yêu cầu quốc tế mới và đang được quan tâm như quy định không mất rừng của Liên minh châu Âu, việc cần làm là xem các hệ thống và khuôn khổ chính sách hiện có có thể kết nối được với các quy định này như thế nào và làm thế nào để cải thiện các hệ thống này. Từ đó hướng tới những thay đổi trực tiếp nhằm chuyển đổi sáng tạo, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nạn phá rừng”, ông Patrick Haverman nêu quan điểm.

Ông Patrick Haverman cho rằng hơn bao giờ hết, các bên liên quan như người tiêu dùng, công ty thương mại và các tổ chức tài chính có vai trò nổi bật hơn trong việc định hình thị trường cũng như tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, từ đó sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng và sản xuất bền vững. Các nông hộ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu các quy định về không gây mất rừng và bền vững được áp dụng do quá trình thẩm định nghiêm ngặt và tốn kém. Vì vậy, cần kết hợp các biện pháp để hỗ trợ và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương này.

“UNDP sẵn sàng làm việc với các đối tác chính phủ và khối tư nhân để xây dựng một môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng nông sản không gây mất rừng. Đồng thời hỗ trợ các mô hình thương mại và sản xuất không gây mất rừng, vì lợi ích của môi trường và con người, đặc biệt là nông hộ nhỏ và các cộng đồng dễ bị tổn thương”, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam khẳng định.

Theo Chu Khôi – VNEconomy

Phong cách kiến trúc độc đáo và sáng tạo của Flamingo Tân Trào sẽ là chìa khoá sinh lời cho nhà đầu tư

Kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4 tiếp tục lao dốc