in

Kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4 tiếp tục lao dốc

Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 15% so với nửa cuối tháng 3/2023 và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 179,6 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, nước ta đang đạt thặng dư thương mại 5,26 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm 2022 nhập siêu 0,1 tỷ USD.

Ở chiều xuất khẩu, xuất khẩu nửa đầu tháng 4 đạt 13,24 tỷ USD, giảm 18% so với nửa cuối tháng 3 và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Các nhóm hàng xuất khẩu lớn với kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng 4 gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 12,84 tỷ USD, giảm 10% so với nửa cuối tháng 3 và giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Hai nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch tỷ USD trong kỳ này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sau đại dịch COVID-19, thế giới đang tiếp tục lâm vào những cuộc khủng hoảng mới về chính trị, kinh tế, thậm chí là xung đột cục bộ và chạy đua vũ trang.

Kinh tế trong nước cũng tác động từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng… ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu trong nước.

Báo cáo kinh tế – xã hội quý I/2023 cho thấy tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 3,32%. Nhiều địa phương đầu tàu cũng ghi nhận mức tăng trưởng cũng rất thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước và các địa phương thấp hơn so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là sự báo động đối với việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho năm nay và cho cả giai đoạn 5 năm, 10 năm tiếp theo, nếu chúng ta không kịp thời tìm được các giải pháp khắc phục”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tình hình chính trị kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó đoán định, dự báo tăng trưởng thấp hơn so với đầu năm.

Để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác các thị trường có FTA, đồng thời khai mở thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu, nhất là những cơ chế, chính sách mới để có những phản ứng chính sách kịp thời.

Trong bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu doanh nghiệp trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng các thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.

Đối với các bộ, ngành, Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp, tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có lợi thế và các nước có nhu cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, nghiên cứu để có các chính sách về khoanh, giãn, hoãn và giảm nợ cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, điều này không chỉ cứu đơn hàng mà còn cứu cả thị trường.

Đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo Hoàng Anh – VietnamBiz

EU cấm nhập khẩu hàng hóa gây mất rừng: Những nông sản nào của Việt Nam sẽ chịu tác động?

Lợi nhuận Microsoft tăng gần 10% trong quý I, sẽ tiếp tục đầu tư vào AI sau thành công với ChatGPT và Bing