in

Chuyên gia: Không kỳ vọng kinh tế có thể tăng trưởng nhanh như xưa, mọi thứ xấu đi không phải là cú sốc ngắn hạn

Tại Chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện với chủ đề “Doanh nghiệp kiệt sức, cần quyết sách mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhắc lại những khó khăn của nền kinh tế bắt đầu bộc lộ ngay từ quý I, sang tháng 4 tình hình không cải thiện và mọi thứ xấu đi.

Chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm từ tháng 11/2022, chỉ số này nhích lên hơn 50 điểm vào tháng 2/2023 tuy nhiên sau đó lại giảm, hiện ở mức 46,6. Diễn biến chỉ số PMI cho thấy ngành chế biến chế tạo bị sụt giảm mạnh. Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 4 tháng đầu năm giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

Theo TS. Nguyễn Tú Anh , ở trong nước, khó khăn bộc lộ ở nhiều mảng. “Nhu cầu đầu tư tiêu dùng thường biểu hiện chủ yếu ở nhu cầu tín dụng. 4 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 3,04%, chưa bằng một nửa của cùng kỳ năm ngoái (năm ngoái khoảng 7,24%). Tín dụng không ra được, cho thấy một dấu hiệu là cầu rất yếu”, ông nói.

Ngoài ra các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thâm dụng lao động cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Như doanh nghiệp hơn 50.000 lao động buộc phải sa thải hơn 10%.

TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: VOV).

So sánh với giai đoạn 2009 – 2011 khi nền kinh tế cũng gặp khó khăn, TS. Nguyễn Tú Anh cho hay thời điểm đó, hệ thống tổ chức tín dụng bị yếu và có nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế trong nước.

“Nhưng có sự may mắn trong giai đoạn 2009-2011 là khu vực bên ngoài, xuất khẩu và FDI vẫn tăng trưởng tốt. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đều tăng trưởng mức khá và xuất khẩu giai đoạn đó tăng trưởng hai con số. Điều đó tạo cho Việt Nam một trụ đỡ để cơ cấu lại nền kinh tế trong nước và vượt qua dễ dàng”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Tú Anh, khó khăn giai đoạn này rất khác. Việt Nam gặp khó khăn trong nước, thị trường vốn có những vấn đề chưa giải quyết được, thị trường bất động sản gặp vấn đề về niềm tin.

Vốn FDI cam kết vào trong nước giảm, xuất khẩu 4 tháng đầu năm giảm 13%, nhập khẩu giảm 17,7%. Riêng nhập khẩu của khối FDI 4 tháng đầu năm giảm đến 18,3%. Trong khi FDI nhập khẩu chủ yếu để sản xuất, số liệu giảm mạnh như thế cho thấy nguồn cung ứng của nền kinh tế sẽ khó khăn thời gian tới.

 

Vị chuyên gia dự báo trong giai đoạn tới nền kinh tế đối mặt nhiều vấn đề cả bên trong và bên ngoài. Ông cho rằng sự xấu đi không phải là một cú sốc ngắn hạn mà sẽ thiết lập một cân bằng thấp trong thời gian kéo dài. Điều này liên quan đến xung đột địa chính trị trên toàn cầu, xung đột giữa các nước lớn. Thế giới đang có những thay đổi trật tự kinh tế, phát sinh những vấn đề mới.

Ông cho rằng cần đánh giá kỹ những chuyển biến môi trường bên ngoài, không nên nhận định đó chỉ là một cú sốc bình thường rồi Việt Nam lại tăng trưởng nhanh 6,5 – 7% như xưa.      

Theo Anh Đào – VietnamBiz

Nở rộ rao bán đất “siêu rẻ” giá chỉ từ 2.000 đồng/m2: Môi giới khuyên nhanh tay nắm lấy cơ hội “đổi đời” vì giá có thể tăng lên 10 lần

Nasdaq lên đỉnh 9 tháng, Phố Wall chờ đợi kết quả đàm phán giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện