Chiều 18/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 22/5 tới, dự kiến Quốc hội làm việc trong 22 ngày theo hình thức tập trung, chia thành 2 đợt. Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 8 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 9 dự án luật khác; đồng thời, xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay đầu kỳ họp.
Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; xem xét báo cáo của một số cơ quan; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia.
Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 5 rất nặng, cả về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, nhiều nội dung lớn, khó và nhạy cảm như các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)….
Một số nội dung sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội có đồng ý đưa vào chương trình hay không, nếu Quốc hội đồng ý, dự kiến nội dung trình Quốc hội sẽ nhiều hơn, thời gian Kỳ họp sẽ dài hơn.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp phải hết sức kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp thành 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị với những vấn đề lớn, khó, còn ý kiến khác nhau thì cơ quan trình, các bộ, ngành phải thảo luận kỹ lưỡng, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thống nhất được với nhau thì mới thuyết phục được Quốc hội.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung hoàn thiện hồ sơ các dự án, dự thảo, rà soát kỹ lưỡng, chủ động trao đổi, thống nhất các vấn đề cơ bản của dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội; khẩn trương gửi hồ sơ tài liệu các nội dung còn thiếu theo thời hạn yêu cầu và các thông báo kết luận về từng nội dung kỳ họp để kịp gửi đến đại biểu Quốc hội, bảo đảm thời gian nghiên cứu của đại biểu.
Theo Anh Đào – VietnamBiz