Theo văn bản, đến nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại hơn 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, có 55/281 đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM, Hòa Bình,… ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới cho người dân, doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các sở giao thông vận tải triển khai các giải pháp như:
Bố trí thời gian làm thêm giờ kể cả thứ Bảy và Chủ nhật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký kiểm định trước, đăng ký từ xa thời gian kiểm định; điều động, huy động nhân lực bổ sung cho các đơn vị đăng kiểm bị thiếu, sử dụng cả các đăng kiểm viên đang được tại ngoại hoặc đã nghỉ hưu, để duy trì hoạt động; phối hợp với chính quyền địa phương điều tiết, phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự tại các đơn vị đăng kiểm; phát hiện kịp thời các đơn vị tự ý tạm dừng hoạt động đăng kiểm không có lý do chính đáng để xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an rà soát để cho phép các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang bị dừng hoạt động được hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, phía Bộ GTVT nhìn nhận tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn gia tăng do thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đăng kiểm viên, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp. Chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt đăng kiểm, thậm chí người dân phải đi xa, sang các tỉnh lân cận để xếp hàng chờ đăng kiểm.
Kiến nghị cơ chế đặc thù khôi phục hoạt động đăng kiểm
Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm xe cơ giới, Bộ GTVT kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT sớm nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (Nghị định 139) theo trình tự, thủ tục rút gọn để cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hiện nay và xu thế phát triển.
Trước mắt, trong thời gian xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô.
Cụ thể, mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra; giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định; không giới hạn công suất dây chuyền kiểm định để phát huy hết năng lực của đơn vị đăng kiểm; cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực.
Sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm; các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được phép hoạt động kiểm định ô tô.
“Cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Các kiến nghị nêu trên nếu được xem xét chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có kế hoạch sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới, đồng thời nghiên cứu, cập nhật bổ sung vào nội dung Nghị định sửa đổi.
Theo Phan Trang – VietnamBiz