in

Tối ưu nguồn lực đưa đoàn tàu kinh tế Việt Nam bứt tốc

Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã và đang phải ngủ đông nhiều tháng bởi khó khăn trong việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu… Nhiều dự án binh bất động vì đói vốn.

Tháng 11/2022, Tập đoàn Hòa Phát đã thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò sản xuất thép. Động thái này được Hòa Phát nhận định là để “mang tính sống còn của doanh nghiệp” trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Trước những thách thức hiện hữu, Chính phủ, các bộ, ngành đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc để dòng tiền tới doanh nghiệp hanh thông hơn trong năm mới.

Xuất khẩu hàng hóa là động cơ lớn của đoàn tàu kinh tế Việt Nam trong các năm qua và những năm tới. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2022, hàng loạt những tin tức thiếu tích cực như thiếu đơn hàng, nhà máy phải đóng cửa đã xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, cho rằng mức độ giảm đơn hàng của các doanh nghiệp đang rơi vào khoảng 30%. Tình hình này sẽ còn kéo dài, dự kiến tới hết quý 2 năm 2023. Trước đây lẽ ra cuối năm phải là thừa đơn hàng, thiếu lao động, bây giờ thì thừa lao động, thiếu việc làm.

Tương tự khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp logistict đang đối mặt những lực cản lớn. Làm thế nào để tái cơ cấu, hợp lực cùng nhau để phát triển ổn định, qua đó giúp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo cho dòng chảy hàng hóa được thông suốt cũng là bài toán lớn cần sớm có lời giải trong năm mới.

Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, nêu quan điểm: “Các doanh nghiệp phải kết nối với nhau, chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái, không chỉ kết nối nội bộ, mà chúng tôi còn kết nối với các cơ quan hữu quan, các hãng tầu, các cơ quan chức năng… Chính hệ sinh thái này, nó làm cho hiệu quả logistics…”. 

Một trong những mắt xích được xác định yếu nhất trong đoàn tàu kinh tế Việt Nam chính là nguồn nhân lực. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt trong năm 2022, thậm chí thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021.

Ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhận định dù hiện nay có những khó khăn do lao động mất việc, nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc, nâng tầm nguồn nhân lực, cần phải thực hiện việc tái cấu trúc nguồn nhân lực để tạo động lực cho phát triển dài hơi, dài kỳ…

Mặc dù những khó khăn, rào cản lớn trong năm 2023 đã được nhận diện chính xác, tuy nhiên lộ trình của đoàn tàu kinh tế Việt Nam vẫn được xác định có nhiều cung đường thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, tối ưu các nguồn lực cho các tình huống khó khăn nhất, doanh nghiệp Việt Nam – kinh tế Việt Nam sẽ có được những kết quả khả quan trong năm. 

Bà Đoàn Thị Mai Hương – Tổng giám đốc Công ty Sasco bày tỏ ngành hàng không năm 2023 chắc chắn vẫn bị ảnh hưởng, nhưng trong khó khăn thì chúng tôi vẫn luôn cố gắng linh hoạt để thích ứng. “Kế hoạch thì chúng tôi luôn có nhiều phương án, kịch bản, để tối ưu hóa chi phí, tối ưu hóa dịch vụ của mình, nên chúng tôi sẵn sàng cho năm 2023, hy vọng sẽ khởi sắc hơn”. 

Cùng với những cố gắng của doanh nghiệp trong việc tối ưu các nguồn lực để vượt khó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có thêm các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, ổn định hơn.

Theo Song Hoàng – Việt Tuấn VNEconomy

Đại diện UBCKNN: Quyết tâm đưa vào vận hành hệ thống KRX từ giữa năm 2023

Thị trường lao động: Thu nhập tăng, thưởng Tết tăng