Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán 2021-2030 – Những thách thức và tầm nhìn” đồng thời tổng kết dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” do Uỷ ban Chứng khoán chủ trì, với sự hợp tác của JICA, đã được triển khai trong vòng 4 năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023.
Nhờ sự hỗ trợ, hợp tác từ JICA, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cơ bản đạt được các mục tiêu đầu ra tương ứng với các cấu phần của dự án. Năng lực của Uỷ ban và các sở giao dịch chứng khoán về công tác quản lý, giám sát thị trường bao gồm cả năng lực về thanh tra, giám sát các trung gian thị trường, quản lý niêm yết và quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng được nâng cao.
Qua đó, tính công bằng, minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam được cải thiện giúp bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động của thị trường. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng gấp đôi, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong những tháng cuối năm cho thấy sức hút ngày càng lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong và ngoài nước.
Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán, hướng tới các mục tiêu tiếp theo trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu; Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình 20% – 30% mỗi năm.
Để đạt được các mục tiêu này, Uỷ ban Chứng khoán đã đưa ra một số giải pháp định hướng xây dựng chiến lược. Dưới sự hỗ trợ của JICA, đang chuẩn bị bước vào dự án tiếp theo: “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam”. Dự kiến dự án mới sẽ bắt đầu vào tháng 4/2024.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Nhật Bản, ông Nakajima Junichi, Cao ủy viên Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản cho biết, thời kỳ kinh tế bong bóng những năm 1980, giá cổ phiếu và giá nhà ở Nhật Bản bị đẩy lên cao kéo theo các giao dịch nội gián, thao túng thị trường nở rộ, thị trường cổ phiếu sụp đổ và giảm mạnh, dẫn tới nhiều tổ chức tín dụng lớn phá sản.
Để tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra trên thị trường tài chính, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan giám sát tín dụng nhằm kiểm soát không để tín dụng quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và đầu tư gián tiếp mà phải phát triển thị trường vốn. Cùng với đó là hoàn thiện tín dụng trực tiếp để duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Năm 2004 Nhật Bản đã sửa đổi luật nhằm ngăn ngừa các giao dịch nội gián.
Theo ông Junichi Nakajima, việc cần thiết là nâng cao vai trò và chức năng của các sở giao dịch chứng khoán để đóng góp vào lợi ích chung và bảo vệ nhà đầu tư. Cùng với đó là thiết lập các quy chế thẩm định và niêm yết, bao gồm cả thẩm định về định lượng và định tính mỗi công ty nộp đơn niêm yết.
Đồng quan điểm, ông Kojima Kazunobu, Chuyên gia tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa cho rằng, cải thiện tính thanh khoản mới là vấn đề quan trọng nhất.
“Số lượng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khoảng 2 triệu người lên đến 7 triệu người trong 5 năm qua, nhưng số lượng công ty niêm yết và tỷ lệ cổ phiếu lưu động có thể thanh khoản gần như không có sự thay đổi.
Điều này không khuyến khích các luồng đầu tư dài hạn dựa trên đánh giá tăng trưởng, mà luồng tiền của các nhà đầu tư sẽ được bơm vào hay rút ra tùy thuộc vào cảm tính thị trường và các sự kiện diễn ra trên thị trường”, ông Kojima Kazunobu nhấn mạnh.