in

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gặp “trắc trở”… vì các Luật chưa thống nhất

Ngày 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”.

NHIỀU MÔ HÌNH CHĂN NUÔI TUẦN HOÀN

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và đại gia súc đạt trên 12 triệu, chúng ta có một hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.

Trên thực tế, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thừa  nhận rằng vẫn còn những hạn chế nhất định như vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa chăn nuôi, trồng trọt.  

“Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã chia sẻ về những mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi đã triển khai. Đề cập về mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, cho hay hiện nay có 3 công nghệ chính: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).

Trong thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh dự án với kết quả ban đầu khá khả quan, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2000 đầu lợn/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas.

Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại lợn quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.

Điểm cầu diễn đàn trực tuyến tại Hà Nội.
Điểm cầu diễn đàn trực tuyến tại Hà Nội.

Ông Phạm Vinh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Phân bón xanh  thuộc Tập đoàn TH, cho hay hiện nay, TH đang áp dụng một số công nghệ, bao gồm công nghệ xối, xả trong hệ thống ống kín; hệ thống máy tách phân nhập khẩu từ CHLB Đức; hệ thống tái tạo nền chuồng nhanh với đệm lót sinh học giúp tiêu diệt các vi khuẩn và vi sinh vật có hại cho đàn gia súc.

Đặc biệt, mặc dù chứa nhiều hàm lượng chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, chất thải lỏng là một dạng tài nguyên khó xử lý do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, thức ăn đầu vào, vi sinh vật… Tập đoàn TH đã đầu tư các nhà máy xử lý chất thải sử dụng công nghệ kị khí hoàn chỉnh và mương oxy hóa, tận dụng chế phẩm vi sinh và sản phẩm sinh học, qua đó đẩy mạnh quá trình xử lý kị khí và nitơ trong nước thải và phân gia súc đẻ sản xuất phân bón hữu cơ.

NHIỀU RÀO CẢN, ĐIỂM NGHẼN CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết hiện còn nhiều rào cản, điểm nghẽn khi phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đó là, hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường.

“Chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến các nhà máy chế biến nông sản thu mua bã, nhưng vận chuyển thì lại vướng bởi nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường. Mua phân gia súc để chế biến phân bón thì cũng khó vận chuyển, do Luật Môi trường quy định phân gia súc là chất thải”, ông Công nêu vấn đề.

Phân tích kỹ hơn, ông Công cho hay Luật Chăn nuôi quy định động vật, gia súc gia cầm khi bị dịch bệnh phải đưa đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Hình thức này sẽ rất mất nhiều thời gian để tiêu hủy, phân hủy hết, trang trại nào muốn hồi phục lại sản xuất phải mất nhiều thời gian lên tới cả chục năm. Ông kiến nghị có thể dùng phương pháp xử lý bằng nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể tái sử dụng vật nuôi đó làm thức ăn cho vật nuôi khác.

Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, TS. Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam bộ, đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật.

 

“Cần tập trung nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải làm phân bón và xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có hai công nghệ cốt lõi: vi sinh và côn trùng”. 

TS. Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam bộ.

TS. Bắc nhấn mạnh hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế. 

Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. Ví dụ về trùn quế, “1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng một tháng. Chất thải từ trùn quế rất thích hợp để sử dụng trong trồng trọt, đem lại giá trị kinh tế cao”.

“Cục Chăn nuôi mới công bố thêm ruồi lính đen – một loài vật nuôi khác được phép sử dụng trong chăn nuôi. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy 1 kg ấu trùng ruồi lính đen có khả năng xử lý 10 kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về yến sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trong quá trình nuôi yến, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển ruồi lính đen trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn”, TS Bắc thông tin.

TS. Nguyễn Anh Phong – Giám đốc Trung tâm Thông tin Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), đưa ra một số giải pháp.

Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.

Thứ tư, thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.

Theo Chu Khôi – VNEconomy

Thủ tướng bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi cổ phiếu ngân hàng hồi phục, nhà đầu tư đợi kết quả họp Fed