in

Nhân sự nên cập nhật các kỹ năng làm việc ra sao trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sa thải hàng loạt?

Trong điều kiện kinh tế biến động, nhiều bất ổn và nguy cơ suy thoái, các tổ chức thường phản ứng và đối phó bằng nhiều giải pháp khác nhau, nhưng dù đó là đóng băng tuyển dụng, cắt giảm ngân sách, thì doanh nghiệp vẫn có khả năng phải đối mặt với các khó khăn, trong đó có vấn đề về khoảng cách kỹ năng làm việc. Điều này có thể dẫn đến hiệu suất sẽ thấp hơn, kéo dài một chu kỳ chi phí cao hơn. 

Theo ông Greg Brown, CEO Nền tảng đào tạo hàng đầu thế giới Udemy, đầu tư vào nhân viên hiện tại sẽ giúp doanh nghiệp vừa lấp đầy những khoảng trống này vừa làm giàu cho chính nhân viên, tăng sự gắn kết của họ, cải thiện tinh thần và tăng cường giữ chân nhân viên.

“Giới thiệu một chương trình học tập hiệu quả để nâng cao kỹ năng của nhân viên và phát triển các kỹ năng lãnh đạo sẽ cải thiện văn hóa công ty, đảm bảo duy trì và phát triển những người có thành tích cao nhất”, ông Greg Brown nói. Ngoài ra, các công ty tiếp tục đầu tư vào các chương trình học tập sẽ có nhiều khả năng thu hút được các nhân tài hàng đầu – cả hiện tại và trong tương lai.

Vậy các doanh nghiệp nên đầu tư vào nhân sự như thế nào, tiến hành tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao ra sao trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nguy cơ sa thải và đóng băng tuyển dụng?

“Với suy thoái kinh tế, chúng tôi biết có rất nhiều điều không chắc chắn và kết quả là có sự thay đổi lớn. Tại thời điểm này, chúng ta phải suy nghĩ lại về những kỹ năng cần thiết cho các tổ chức để quản lý thông qua sự thay đổi và sự không chắc chắn”, lãnh đạo nền tảng học tập trực tuyến Udemy nói.

Ngoài ra, những nhân viên được đào tạo nâng cao kỹ năng và được trao quyền sẽ cảm thấy họ có ý nghĩa đối với người sử dụng lao động, doanh nghiệp đã đầu tư để giúp họ phát triển sự nghiệp. Những nhân viên đó sẽ hài lòng hơn trong công việc và ít cảm thấy kiệt sức hơn.

KHÁI NIỆM “BUY AND BUILD” TRONG TUYỂN DỤNG VÀ ĐÀO TẠO NHÂN SỰ

Trao đổi về những thách thức và giải pháp trong nỗ lực tăng năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp, ông Lê Đình Thịnh, Talent Development Lead tại One Mount, đã đề cập đến khái niệm “Buy and Build”. 

Trong đó, theo giải thích của ông Thịnh, “Buy” là doanh nghiệp đưa ra quyền lợi để tuyển nhân sự chất lượng cao, còn “Build” là nâng cao tay nghề nhân viên bằng cách sử dụng hệ thống bản đồ năng lực để nâng cao năng lực nhân viên, bắt kịp xu hướng phát triển của lĩnh vực. 

Ông Thịnh đã liên hệ việc đào tạo với tư duy Agile, thúc đẩy khuyến khích phong trào học tập doanh nghiệp, đặc biệt các nội dung học tập cần được cập nhật theo yêu cầu và xu hướng thị trường, công nghệ. 

Ngoài ra, nội dung học tập trong doanh nghiệp cũng cần được cá nhân hoá theo nhu cầu của từng bộ phận, từng nhân viên, tránh đồng hóa việc học tập cho tất cả nhân viên giống nhau, bởi vì mô hình “one size fits all” sẽ không phù hợp đối với chiến lược đào tạo nâng cao kỹ năng nhân sự.

ĐỪNG NÊN THAM VỌNG QUÁ NHIỀU, HÃY “CHẺ NHỎ” VÀ TẠO THÓI QUEN HỌC TẬP

Là Ủy viên Ban thường vụ VINASA, ông Nguyễn Hùng Sơn đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và phát triển Công nghệ FSI. Đứng trên góc độ là một lãnh đạo doanh nghiệp, ông Nguyễn Hùng Sơn đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp của mình. Theo ông, đó là sự kết hợp từ con người, công cụ và chính sách. 

”Về con người, cần sự đồng bộ từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến trưởng bộ phận, trong việc sắp xếp thời gian, cường độ làm việc phù hợp với lịch trình học tập. Về công cụ, các doanh nghiệp có thể sử dụng những nền tảng khóa học trực tuyến như Udemy để cấp tài khoản cho nhân viên, quan sát cách từng người học để có dữ liệu tối ưu chương trình đào tạo phù hợp với thời gian, công việc của từng người”, ông Nguyễn Hùng Sơn nói.

“Về chính sách, doanh nghiệp có thể sử dụng các phần thưởng nhỏ, không chỉ thưởng tiền mà cả chứng nhận, vinh danh, voucher quà, tích điểm để thăng tiến lên vị trí mới, nhằm khuyến khích tinh thần học tập của nhân viên”.

Ông Nguyễn Hùng Sơn (ngoài cùng bên phải), ông Lê Đình Thịnh (thứ hai từ phải qua) và ông Greg Brown (thứ ba thừ phải qua)
Ông Nguyễn Hùng Sơn (ngoài cùng bên phải), ông Lê Đình Thịnh (thứ hai từ phải qua) và ông Greg Brown (thứ ba thừ phải qua)

Đặc biệt, ông Nguyễn Hùng Sơn cho rằng doanh nghiệp đừng nên tham vọng quá nhiều. “Thay vì làm nhiều trong vài tháng rồi bỏ đi thì nên chẻ chương trình ra để triển khai trong thời gian dài, tạo thói quen học tập cho nhân viên, từ đó cũng tạo được nền văn hóa học tập trong doanh nghiệp”.

“CÔNG THỨC 6 CHỮ D” KHI XÂY DỰNG VĂN HÓA HỌC TẬP VÀ TƯ DUY “MÌNH LÀ CHỦ”

Bà Bùi Nguyệt Anh – Giám đốc cấp cao tổ chức kết nối thương mại lớn nhất thế giới BNI tại Việt Nam, cho biết trong những thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, BNI đã nhận thấy tầm quan trọng của việc học tập trong doanh nghiệp và đã nắm bắt lấy cơ hội. Nhờ đó, BNI khẳng định tinh thần đoàn kết, học tập trong doanh nghiệp, trau dồi nâng cao kiến thức của nhân viên, xây dựng nền văn hóa học tập. 

Bà Nguyệt Anh đã chia sẻ phương châm xây dựng nền văn hóa học tập tại BNI bao gồm “6 chữ D”. Đó là “Đôn đốc, Động viên, Đo lường, Đúng, Đủ, Đều”. Trong đó, “Đúng – Đủ – Đều” là tiền đề để xây dựng văn hoá học tập doanh nghiệp.

Ngoài ra, bà Bùi Nguyệt Anh còn đưa ra một ý tưởng rất thú vị đó là tinh thần “hãy làm chủ”. Nghĩa là, dù là nhân viên hay lãnh đạo doanh nghiệp cũng hãy có tư duy “mình là chủ”. Tinh thần làm chủ (ownership) sẽ khiến nhân viên chọn cách làm chủ động hơn, thông minh hơn rất nhiều. Trong khi đó, nếu chủ doanh nghiệp nhưng không có “mindset làm chủ”, thì cũng chỉ là làm thuê cho chính mình thôi. 

Theo Bảo Bình – VNEconomy

Doanh nghiệp dược phải xin lỗi khách hàng vì sự cố khi thuê người nổi tiếng bán hàng trên Tiktok

Gỗ Trường Thành (TTF) đặt mục tiêu có lãi 54 tỷ đồng năm 2023, chuẩn bị cho ra mắt web bán hàng online