in

Ngân hàng Nhà nước đã mua trên 6 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối

Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo đó, trên thị trường mở, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà điều hành liên tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá  với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng luôn trong trạng thái dư thừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán của nền kinh tế.  

Từ ngày 10/3/2023, để thực hiện mục tiêu tăng cung tiền, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tăng khối lượng và kéo dài kỳ hạn chào mua giấy tờ có giá hàng ngày để phát tín hiệu sẵn sàng cung ứng vốn cho thị trường tiền tệ. 

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá từ mức 6%/năm xuống mức 5,5%/năm (từ ngày 15/3/2023) và giảm xuống mức 5,0%/năm (từ ngày 03/4/2023), vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và thường trong tình trạng dư thừa (số dư tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng  tại Ngân hàng Nhà nước liên tục vượt số dư dự trữ bắt buộc).

 

Đến giữa tháng 5/2023, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).
(Ngân hàng Nhà nước)

Song song với việc điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD). Bên cạnh đó, đối với các giao dịch tổ chức tín dụng mua ngoại tệ kỳ hạn với “người mua bán cuối cùng”, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã gia hạn các giao dịch này với tổng trị giá 3,99 tỷ USD; đồng thời, tổ chức tín dụng hủy mua 1,74 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà điều hành đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1%/năm trong tháng 3 và 4/2023. 

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11.

Cụ thể: (1) Chỉ đạo tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; (2) Khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; (3) Tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,8%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong các tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).

Theo Hoàng Lan – VNEconomy

Làm thế nào để tránh những vụ lừa đảo qua email?

Tiến độ cùng loạt ưu đãi giúp Grand SunLake chinh phục khách hàng