Sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng khu vực tại Mỹ và Credit Suisse tại châu Âu, hỗn loạn trên thị trường tài chính và triển vọng kinh tế khó đoán trong lúc các ngân hàng trung ương (NHTW) chiến đấu với lạm phát đã khiến các nhà phân tích nhắc đến thuật ngữ “khoảnh khắc Minsky”.
Trong một lưu ý, nhóm chiến lược gia của JPMorgan Chase do ông Marko Kolanovic dẫn dắt cảnh báo thêm: “Ngay cả khi các NHTW thành công ngăn chặn khủng hoảng lan rộng, các điều kiện tín dụng có vẻ vẫn sẽ thắt chặt nhanh hơn do áp lực từ cả thị trường và cơ quan quản lý”.
Việc các nhà kinh tế đề cập đến khoảnh khắc Minsky cũng đủ khiến các nhà hoạch định chính sách phải rùng mình, Bloomberg nhận xét. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải lên tiếng cảnh báo. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen từng mô tả đây là “tài liệu bắt buộc phải đọc”.
Khoảnh khắc Minsky là gì?
Thuật ngữ trên được đặt tên theo nhà kinh tế học quá cố người Mỹ Hyman Minsky, theo tờ Bloomberg.
Khoảnh khắc Minsky đề cập đến sự kết thúc của một chu kỳ bùng nổ kinh tế từng khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận rủi ro vượt mức, dẫn đến tình trạng cho vay vượt quá số tiền người đi vay có thể trả lại.
Tại thời điểm bước ngoặt đó, bất kỳ sự kiện gây bất ổn nào, như lãi suất gia tăng, cũng có thể buộc các nhà đầu tư bán tháo tài sản để lấy tiền mặt trả nợ, từ đó kích hoạt một cuộc khủng hoảng trên thị trường, Bloomberg giải thích.
Trong nghiên cứu của mình, nhà kinh tế Hyman Minsky viết, khi khoảnh khắc Minsky sắp xuất hiện, thị trường sẽ chứng kiến sự gia tăng “hoạt động tài chính đầu cơ và Ponzi”.
Khoảnh khắc Minsky từng xuất hiện chưa?
Câu trả lời là có. Năm 1998, sau khi bong bóng tài sản đổ vỡ ở châu Á, Nga đã vỡ nợ trái phiếu trong nước và buộc phải phá giá đồng ruble.
Chính trong cuộc khủng hoảng nói trên, ông Paul McCulley, khi đó là nhà kinh tế tại Pacific Investment Management Co. (PIMCO), đặt ra thuật ngữ “khoảnh khắc Minsky”.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008 cũng được coi là một khoảnh khắc Minsky khác, vì nó được kích hoạt bởi vụ sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ.
Tình hình bây giờ ra sao?
Các khoản vay khổng lồ trên khắp thế giới kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 – phần lớn là để đối phó với đại dịch COVID-19 và hệ luỵ sau đó – đã khiến giới chuyên gia cảnh báo về một khoảnh khắc Minsky sắp xảy rđến.
Khối nợ phình to là nhờ vào chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo khi các NHTW giảm mạnh lãi suất, thậm chí là đưa lãi suất xuống mức 0 trong nhiều năm. Việc chính phủ các nước tăng cường chi tiêu cũng khiến nợ nần thêm chồng chất.
Chu kỳ tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng nhiều đồng nghiệp trên khắp thế giới triển khai để khống chế lạm phát đã khiến gánh nặng nợ nần chồng chất hơn.
IMF ước tính rằng trong năm nay, hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp đã ở trong hoặc có nguy cơ lâm vào tình cảnh nợ nần khó khăn.
Dù tăng trưởng kinh tế có thể giúp tỷ lệ nợ đi xuống, S&P Global Ratings vẫn cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng khi chính phủ các nước, người dân và tổ chức tài chính tiếp tục vay nợ.
Hồi tháng 1, S&P Global Ratings dự báo rằng vào năm 2030, nợ toàn cầu có thể tương đương 366% GDP – cao hơn mức 349% GDP (tương đương khối nợ 300.000 tỷ USD) ghi nhận đến tháng 6/2022.
Đôi nét về nhà kinh tế Minsky
Hyman Minsky (1919 – 1996) từng học tại Đại học Chicago và Đại học Harvard. Tại Havard, ông là trợ giảng cho nhà kinh tế Alvin Hansen, người đã đặt ra thuật ngữ “đình trệ kinh tế kinh niên” (secular stagnation).
Từ năm 1957 đến năm 1965, Minsky là phó giáo sư kinh tế tại Đại học California. Tại đây, ông đã phát triển các lý thuyết kinh tế chính của mình. Phải đến sau khi ông qua đời vào năm 1996, các nghiên cứu của ông mới được phổ biến rộng rãi.
Theo Khả Nhân – VietnamBiz