in

Hai lý do có thể buộc Fed phải tăng lãi suất vào tháng 6

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua cho thấy rõ ràng là ngân hàng trung ương này đang chia rẽ gay gắt về định hướng lãi suất cho thời gian tới.

Các nhà hoạch định chính sách chưa xác định nên tiếp tục tăng hay giữ nguyên lãi suất khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhóm họp vào ngày 13 – 14/6 tới, theo Barron’s.

Tại cuộc họp đầu tháng 5, các quan chức Fed đã phát tín hiệu rằng họ có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6. Song, kể từ đó, một loạt các dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế Mỹ có vẻ vẫn đứng vững.

Trong bối cảnh hiện tại, khi lạm phát vẫn cao hơn hai lần mục tiêu của Fed, các quan chức diều hâu đã thúc đẩy ý tưởng tăng lãi suất ít nhất một lần nữa vào tháng 6.

Bà Lorie Logan, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas và là một thành viên có quyền bỏ phiếu của FOMC năm nay, có lẽ là người thẳng thắn nhất.

Tại một sự kiện hồi tuần trước, dù ghi nhận một số tiến bộ trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát và thị trường lao động, bà Logan nói Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu ổn định giá cả.

 

Nền kinh tế có thể tránh suy thoái

Thị trường ngày càng lạc quan rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế, ít nhất là cho đến một thời điểm nào đó trong năm tới. Đây chính là một cơ sở khiến các quan chức Fed ủng hộ tiếp tục thắt chặt chính sách.

Một báo cáo mới của Fed chi nhánh San Francisco cho thấy bất chấp lạm phát cao và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong vài năm qua, các hộ gia Mỹ vẫn có khoản tiết kiệm ước tính khoảng 500 triệu USD – đủ để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng đến ít nhất là quý IV/2023.

Đồng thời, một số lĩnh vực nhạy cảm hơn với lãi suất như bất động sản và sản xuất, tuy đã chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Fed, có thể đang tăng tốc trở lại.

Ông Skanda Amarnath, Giám đốc điều hành tại tổ chức Employ America, cho biết việc số lượng dự án chung cư đang được xây dựng đi lên cùng với nhu cầu đi vay thế chấp nhà ở ổn định đang vẽ nên một “bức tranh đáng khích lệ” cho thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Amarnath, cựu chuyên gia phân tích tại Fed chi nhánh New York, dữ liệu về lĩnh vực sản xuất được công bố tuần trước cho thấy những tháng tồi tệ nhất của ngành này có thể đã qua.

Theo vị giám đốc, việc lĩnh vực bất động sản và sản xuất mạnh lên không phải là “điều điển hình mà mọi người thường thấy trước thời kỳ suy thoái”.

 

Vai trò của khủng hoảng ngân hàng

Ngoài ra còn có câu hỏi là liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng trong vài tháng qua có khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến của Fed hay không, tờ Barron’s lưu ý.

Hôm 19/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng có thể giúp các nhà hoạch định chính sách không cần phải tăng lãi suất quá cao cao như dự định ban đầu.

Song, cho đến nay, tác động của tình trạng thắt chặt tín dụng không mạnh như dự đoán. Cuộc khảo sát riêng của Fed cho thấy hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng chỉ thắt chặt nhẹ trong khoảng thời gian từ quý IV/2022 đến quý I/2023.

“Thành thật mà nói, tôi từng kỳ vọng tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng sẽ gây ra nhiều hoảng loạn hơn nữa”, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic chia sẻ tại một hội nghị kinh tế ở Florida tuần qua.

Xuất hiện tại cùng sự kiện, Chủ tịch chi nhánh Chicago là ông Austan Goolsbee cũng nhất trí với nhận định của người đồng nghiệp.

Các quan chức Fed vẫn còn gần một tháng trước khi đưa ra quyết định chính sách tiếp theo và ông Powell đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải có những bước đi thận trọng.

Mặc dù vậy, những dấu hiệu gần đây về sức mạnh của nền kinh tế chỉ ra rằng chính sách tiền tệ vẫn còn nhiều dư địa để thắt chặt. Trong vài tuần tới, nếu có bất kỳ dữ liệu nào nóng hơn dự kiến, thị trường nên chuẩn bị cho khả năng lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng thêm ít nhất một lần nữa.

 

Theo Yên Khê – VietnamBiz

Ông Lê Quang Mạnh được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách

Kiều hối chuyển về TP HCM có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2023