in

Đại biểu Quốc hội đề xuất: Người có phiếu tín nhiệm thấp nên xin từ chức

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều so với Nghị quyết số 85/2014/QH13. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 16 điều và bổ sung 4 điều mới.

BỔ SUNG CHỨC DANH TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI ĐỂ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết Nghị quyết bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội cho phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Quy định số 96-QĐ/TW.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin ý kiến Quốc hội về đề xuất không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Về nội dung này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đang nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo như tờ trình là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Ngoài ra, ý kiến đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ. 

Một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải rõ hơn về lý do không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, như Thẩm phán TAND tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Ban của  HĐND, Hội thẩm Tòa án Nhân dân.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày tờ trình - Ảnh: Quochoi.vn
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày tờ trình – Ảnh: Quochoi.vn

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết dự thảo nghị quyết bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các Ban của HĐND; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Ngoài ra, kết quả thực hiện cam kết và lời hứa (nếu có) cũng là một căn cứ để đánh giá.

XIN TỪ CHỨC NẾU CÓ ĐÁNH GIÁ “TÍN NHIỆM THẤP”

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định “người được lấy phiếu tín nhiệm có 1/2 đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ thì xin từ chức.

“Trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.

Bên cạnh đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Với người đồng thời giữ nhiều chức vụ, việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Liên quan tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được xác định là một công đoạn trong quá trình xem xét kỷ luật đối với cán bộ là người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra – Ảnh: Quochoi.vn

Bởi vì, các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn có mức độ tín nhiệm thấp.

Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND “quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm”.

“Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá 1/2 tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Theo Quang Trung – VNEconomy

Nhà đầu tư không còn mặn mà với vàng?

Công an TP HCM truy nã Tổng Giám đốc Công ty 305