in

Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ: Bậc AA+ là gì, tác động lên thị trường tài chính có khủng khiếp hay không?

Mỹ vừa bị Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm từ AAA xuống AA+. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Người Mỹ thường kỳ vọng đứng nhất ở mọi khía cạnh. Vì vậy, việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm lần thứ hai trong lịch sử đã làm rung chuyển niềm tự hào của đất nước và hệ thống tài chính toàn cầu, Bloomberg cho hay.

Hôm 1/8, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của Mỹ từ bậc cao nhất là AAA xuống AA+. Hơn một thập kỷ trước, S&P Global Ratings cũng từng thực hiện động thái tương tự. Đó chính là lần đầu tiên Mỹ mất xếp hạng AAA.

Cả hai lần đều diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ lâm vào bế tắc vì vấn đề trần nợ. Lịch sử cho thấy tác động của các đợt hạ xếp hạng lên thị trường tài chính có thể không kéo dài lâu, nhưng sẽ khơi mào cho nhiều cuộc chiến chính trị khác.

sao Fitch hạ xếp hạng của Mỹ?

Fitch cho biết động thái hạ xếp hạng tín nhiệm này bắt nguồn từ việc thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng lớn và lối quản trị yếu kém khiến xung đột trần nợ lặp đi lặp lại nhiều lần trong hai thập kỷ qua.

“Việc hạ xếp hạng thể hiện dự đoán của chúng tôi rằng tình hình tài khoá của Mỹ trong ba năm tới sẽ yếu đi, gánh nặng nợ nần của chính phủ ngày càng lớn, và chất lượng điều hành giảm sút so với các nước xếp hạng AA và AAA trong hai thập kỷ qua”, Fitch cho hay trong một tuyên bố.

Cứ sau vài năm, Mỹ lại phải đối mặt với viễn cảnh vỡ nợ. Một đạo luật từ năm 1917 đã đặt ra một giới hạn cứng về tổng số tiền mà chính phủ có thể vay mượn – tức trần nợ. Trần nợ chỉ có thể được nâng lên nếu Quốc hội và Tổng thống Mỹ cùng thông qua.

Mỹ đã lần nữa đứng trước nguy cơ vỡ nợ vào đầu năm 2023, khi chính phủ chạm giới hạn đi vay 31.400 tỷ USD và Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn đủ tiền mặt để xoay xở trong một vài tuần nữa.

Bế tắc được khơi thông vào cuối tháng 5, sau khi các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà nhượng bộ nhau vào phút chót. Tuy nhiên, chưa chắc trong tương lai Mỹ sẽ tránh được rủi ro tương tự, khi tranh chấp đảng pháp trong Quốc hội ngày càng lớn.

Xếp hạng AA+ là gì?

Xếp hạng AA+ thấp hơn AAA một bậc, nghĩa là Fitch không còn coi Mỹ là quốc gia có “chất lượng tín dụng cao nhất” nữa.

Theo Fitch, xếp hạng AA cho thấy “kỳ vọng về rủi ro [chính phủ] vỡ nợ là rất thấp”. Song, đây là một bước thụt lùi so với AAA, bởi xếp hạng này cho thấy “kỳ vọng về rủi ro vỡ nợ là thấp nhất”.

Tương tự, xếp hạng AAA chỉ được trao khi một quốc gia có “năng lực đặc biệt mạnh” để đáp ứng các cam kết tài chính của mình, trong khi xếp hạng AA cho thấy “năng lực rất mạnh”, theo Fitch.

Xét trên phạm vi toàn cầu, Fitch là cái tên nhỏ nhất trong số “ba công ty xếp hạng lớn” gồm Moody’s Investors Service và S&P.

 

Trái phiếu chính phủ được xếp hạng như thế nào?

Các công ty xếp hạng sẽ đánh giá sức mạnh tài chính của các tổ chức phát hành, bao gồm cả chính phủ các nước, và sau đó xếp hạng tín nhiệm nhằm thể hiện khả năng thanh toán nợ nần của họ.

Nhà đầu tư thường dựa vào xếp hạng tín nhiệm khi mua trái phiếu và nhận định của thị trường có thể đóng vai trò quan trọng, giúp xác định số tiền lãi mà người đi vay phải trả để huy động vốn trên thị trường vốn.

Tuy nhiên, lãi suất của Mỹ bị kìm hãm bởi nhu cầu của nhà đầu tư đối với USD – đồng tiền dự trữ của thế giới, và trái phiếu Kho bạc – tài sản phi rủi ro tiêu chuẩn trên phạm vi toàn cầu.

Trong một tuyên bố sau khi Mỹ bị hạ xếp hạng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết động thái của Fitch là “tuỳ tiền và dựa trên dữ liệu cũ rích”. Bà nhấn mạnh nhà đầu tư sẽ không thay đổi góc nhìn về nợ của chính phủ Mỹ.

“Quyết định của Ficth không thay đổi điều mà người Mỹ, nhà đầu tư và người dân trên toàn thế giới đã biết, rằng chứng khoán nợ của Mỹ vẫn là tài sản thanh khoản và an toàn ưu việt nhất và nền kinh tế Mỹ về cơ bản vẫn vững mạnh”, bà Yellen bày tỏ.

Song, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 30 năm đã tăng lên mức cao nhất trong gần 9 tháng trước khi Fitch hạ xếp hạng của Mỹ, trong bối cảnh Washington sắp phát hành thêm nợ để xoay xở thâm hụt ngân sách ngày càng phình to.

Việc Mỹ bị hạ xếp hạng có ý nghĩa gì với thị trường?

Khi S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vào năm 2011, việc này đã khiến công chúng lo ngại về nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay thời điểm châu Âu đang ở giữa một cuộc khủng hoảng nợ công.

Mặc dù vậy, động thái của S&P không có tác động lâu dài. Nhà đầu tư đã rót tiền vào các tài sản tại Mỹ và lợi suất trái phiếu Kho bạc đã đi xuống vào cuối năm đó. Một phần là do nền kinh tế Mỹ vẫn thể hiện sức mạnh đáng kể, đồng thời Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn để bảo vệ đồng tiền chung.

Lần này, thị trường tài chính cũng đang lo ngại về nền kinh tế Mỹ, nhưng trọng tâm là chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong nhiều thập kỷ để dập tắt lạm phát.

Theo đó, những gì Fed làm sẽ có khả năng gây ảnh hưởng lớn hơn đến lãi suất tại Mỹ, thay vì việc Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm.

Theo Bloomberg, hiện tại số quốc gia vẫn còn giữ xếp hạng cao nhất đang giảm dần. Australia, Đức, Singapore và Thụy Sỹ vẫn giữ xếp hạng hàng đầu từ Moody’s, S&P và Fitch.

Fitch xếp hạng Canada ở mức AA+. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, được xếp hạng A+, thấp hơn ba bậc so với AAA.  

Theo Khả Nhân – VietnamBiz

HSBC: NHNN sẽ cắt giảm lãi suất lần cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng

MSB nhận giải thưởng quốc tế về quản trị rủi ro