Với dân số lớn và tầng lớp trung lưu ngày càng đông, Trung Quốc là thị trường hấp dẫn đối với nhiều công ty đa quốc gia, vốn đã thấy thị trường Mỹ dần trở nên “chật chội”. Tuy nhiên, chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã gây tổn hại cho nền kinh tế của đất nước lẫn doanh thu của nhiều công ty Mỹ bán hàng hóa hoặc dịch vụ ở đó.
Sau khi rút lại chính sách trên vào tháng 12/2022, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,5% trong quý đầu tiên của năm nay. Các công ty Mỹ cũng báo cáo rằng nhu cầu ở Trung Quốc đang phục hồi, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của họ vào thời điểm nhiều người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, sự phục hồi đã không diễn ra nhanh chóng hoặc ấn tượng như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Hầu hết các công ty vẫn đang chờ doanh số bán hàng vượt mức ghi nhận trước đại dịch ở Trung Quốc. Phân khúc bán lẻ lữ hành (travel retail) thậm chí dự kiến sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Trong số các công ty có hoạt động tại Trung Quốc, các chuỗi nhà hàng của Mỹ đều ghi nhận nhu cầu phục hồi dù doanh số bán hàng vẫn chưa quay trở lại mức của năm 2019.
Starbucks đã báo cáo doanh số bán tại cùng một cửa hàng ở Trung Quốc đã tăng 3% trong quý gần nhất, đảo ngược đà sụt giảm của họ. Yum China, nhà nhượng quyền chính của Yum Brands (chủ sở hữu các thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng như KFC hay Pizza Hut) tại Trung Quốc, cũng cho biết doanh số bán tại cùng cửa hàng của họ đã tăng 8% trong quý đầu tiên.
Người tiêu dùng Trung Quốc dường như cũng đang trở lại các công viên giải trí và khu nghỉ dưỡng. Disney cho hay kết quả tài chính của họ cho các khu nghỉ dưỡng ở Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) đều ghi nhận cải thiện.
Airbnb cũng cho biết trong quý gần nhất, mảng kinh doanh tại châu Á – Thái Bình Dương của công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng theo năm cao nhất đối với số lượng đặt phòng ở qua đêm và trải nghiệm hoạt động tại địa phương.
Tuy nhiên, trong khi nhiều công ty Mỹ đang hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, các công ty vẫn đang chờ đợi sự phục hồi tương tự trong lĩnh vực bán lẻ lữ hành.
SK-II, thương hiệu sản phẩm chăm sóc da cao cấp thuộc sở hữu của Procter & Gamble (P&G), đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng trở lại tại Trung Quốc, ngoại trừ phân khúc bán lẻ lữ hành.
Về tổng thể, doanh thu của P&G tại Trung Quốc trong quý I/2023 vẫn tăng 2% so với cùng kỳ 2022. Công ty hy vọng khi hoạt động đi lại của người tiêu dùng Trung Quốc tăng lên, doanh thu sẽ phục hồi hơn nữa.
Trong khi đó, ông Scott Roe, Giám đốc Tài chính của Tapestry – công ty mẹ của các thương hiệu thời trang cao cấp Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman, cho biết công ty đã bắt đầu nhận thấy lượng khách du lịch nội địa Trung Quốc tăng lên, bao gồm cả ở Hong Kong và Macau (Trung Quốc).
Tuy nhiên, hoạt động du lịch toàn cầu của người dân Trung Quốc đang ở dưới mức trước đại dịch, bày tỏ tin tưởng rằng khi người dân nước này đi du lịch nhiều hơn sẽ hỗ trợ gia tăng doanh số cho công ty. Tại Trung Quốc, Tapestry dự kiến doanh thu sẽ đạt mức trung bình một con số trong năm tài chính hiện hành (bắt đầu từ tháng 7/2022).
Nhà phân tích Kelly Kim của ngân hàng Morgan Stanley đã bày tỏ kỳ vọng trong một báo cáo ngắn rằng sự phục hồi tại Trung Quốc sẽ diễn ra theo ba giai đoạn: kỳ nghỉ Xuân từ tháng 2 đến tháng 4, chi tiêu mạnh trong mùa Hè từ tháng 5 đến tháng 7 , rồi phục hồi ổn định sau đó từ tháng 8 trở đi.
Theo H.Thủy (Theo CNBC) – VietnamBiz