in

TikTok Shop đang phát triển như thế nào mà khiến nhiều đối thủ trong ngành TMĐT phải dè chừng?

Tháng 3/2022, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok đã giới thiệu tính năng mua sắm được tích hợp trên chính nền tảng này với tên gọi là TikTok Shop, tại thị trường Việt Nam. Với tính năng này, người dùng của TikTok có thể dễ dàng mua sắm trực tiếp ngay trên ứng dụng, khi họ đang xem các video nhảy múa trên nền nhạc “meo meo meo”. Trước đó, TikTok Shop cũng đã xâm nhập thị trường Indonesia và Singapore.

Ở Việt Nam, việc mua sắm trên sàn TMĐT là điều không còn mới, chúng ta đã quá quen với những “tay to” trong lĩnh vực này như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… với các chiến dịch khuyến mãi lớn trong năm, thu hàng triệu người Việt phải thức đêm “săn sale”.

TikTok Shop và tiềm năng tại Việt Nam

Trái ngược với những cái tên nói trên – khi phải đốt rất nhiều tiền của và thời gian để tạo dựng chỗ đứng ở thị trường Việt Nam, TikTok Shop lại đi một con đường rất khác. Đây là một cái tên mới chỉ xuất hiện nhưng đã có những bước tăng trưởng đáng kinh ngạc chỉ trong vòng một năm xuất hiện.

Theo thống kê của nền tảng thống kê số liệu TMĐT Metric, năm 2022 là năm trỗi dậy của TikTok Shop. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, doanh số trên TikTok Shop đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán đã phát sinh đơn hàng.

Livestream bán hàng, chốt đơn ngay trên nền tảng TikTok là điều đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Đáng chú ý, mức doanh số này nếu tính riêng trong tháng 11 đã giúp TikTok Shop vượt qua Tiki (396 tỷ đồng) – một đơn vị TMĐT tên tuổi của Việt Nam. Mức doanh thu trong một tháng của TikTok Shop tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.

Theo số liệu từ Metric, trung bình mỗi ngày của tháng 11/2022, TikTok Shop đạt mức doanh thu 56.6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Phân khúc sản phẩm có giá trong khoảng 100.000 đồng – 200.000 đồng đem lại mức doanh thu cao nhất cho các nhà bán trên sàn TikTok Shop, chiếm 39% với 647 tỷ đồng trong một tháng.

Hồi cuối tháng 3, TikTok đã tổ chức sự kiện TikTok Shop Vietnam Summit, thu hút sự tham dự của hàng nghìn nhà sáng tạo nội dung, doanh nghiệp và nhà bán hàng, cùng bàn thảo về xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment). Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc một năm kể từ khi TikTok Shop chính thức tiến vào thị trường Việt Nam.

Theo công bố từ TikTok, chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, mức GMV (tổng giá trị hàng hóa) của TikTok Shop tăng gấp 11 lần, trong đó số lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần. Các ngành hàng đang chiếm tỷ trọng lớn và tập khách hàng chính của TikTok Shop hiện nay bao gồm Thời trang và Phụ kiện, Thực phẩm và Đồ uống, Chăm sóc sắc đẹp và Điện tử.

Trải nghiệm của nhà bán hàng với TikTok Shop

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hải Vũ, chủ tài khoản TikTok “Vua Bán Lỗ” với gian hàng chuyên sản phẩm công nghệ trên TikTok Shop đánh giá TikTok Shop có tiềm năng sau một năm trải nghiệm bán hàng thông qua nền tảng này. 

“Đây là phương thức bán hàng mới ở Việt Nam, được áp dụng khá thành công ở Trung Quốc – một thị trường có nhiều điểm tương đồng với chúng ta. Vì vậy, TikTok Shop sẽ có cơ hội thành công rất lớn tại Việt Nam. Cách thức này phù hợp với giới trẻ từ 18-30, độ tuổi mạnh nhất của tiêu dùng”, ông Vũ đánh giá.

 Ông Lê Hải Vũ đang thực hiện giới thiệu chương trình khuyến mãi trên TikTok Shop. (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng TikTok Shop còn mới so với các sàn TMĐT khác, còn nhiều quy định, vấn đề cần điều chỉnh. Ngoài ra, tính ổn định của nền tảng này chưa cao, khách hàng mua sắm qua TikTok Shop chưa có sự chín chắn. 

“Khách hàng chưa biết quy trình mua hàng, họ cũng chưa hiểu cách hoạt động trên sàn. Thêm nữa, họ thiếu chín chắn nên thường đánh giá shop tùm lum chẳng hạn, hoặc ‘bom hàng’ nhiều hơn”, nhà bán hàng này chia sẻ. Ông Vũ cho rằng TikTok Shop cần thêm thời gian cho mọi thứ vào đúng nhịp và tệp khách chất lượng hơn. Hiện tại, đây vẫn chưa phải là một sàn bền vững và vẫn đang hoàn thiện.  

Nhà bán hàng này tin rằng TikTok Shop có tiềm năng tạo ra cách kinh doanh mới trong tương lai nhưng hiện tại, ông Vũ cho rằng khó để đánh giá về tính bền vững. “Sàn có nhiều ưu đãi, chương trình, nên mọi thứ đều tốt, nhưng không rõ điều này kéo dài trong bao lâu, vì việc bán hàng đang dựa vào khuyến mãi giảm giá khá nhiều. Tuy nhiên, doanh thu, doanh số chuyển đổi đang thể hiện rất tốt”, ông Vũ cho biết.

Xu hướng Shoppertainment đang du nhập Việt Nam như thế nào?

Theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) về xu hướng Shoppertainment (Mua sắm giải trí – PV), mua sắm giải trí là “cơ hội trị giá 1.000 tỷ USD” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), mang đến cơ hội tương tác và thu hút bằng kỹ thuật số đối với khách hàng trên toàn khu vực.

Cụ thể, báo cáo của BCG cho biết giá trị thị trường dự kiến của Shoppertainment sẽ đạt ​​1.000 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 500 tỷ USD trong năm 2022. Nhận định này được củng cố với chỉ số CAGR (tăng trưởng kép hàng năm – PV) dự kiến ​​đạt hơn 63%, cùng với việc nhóm người dùng sử dụng công nghệ muốn gia tăng nhiều hơn trải nghiệm của họ với nhãn hàng.

Theo BCG công bố, 6 thị trường tăng trưởng chính tại khu vực APAC gồm Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Đây là nhóm thị trường thúc đẩy tăng trưởng với tổng GMV thương mại điện tử tăng từ 500 tỷ USD lên 700 tỷ USD trong giai 2022-2025 và GMV từ Shoppertainment tăng từ 24 tỷ USD lên 100 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2025.

Việt Nam và Thái Lan thuộc nhóm thị trường ổn định, với thị phần Shoppertainment chiếm từ 25-40%, dung lượng thị trường dưới 15 tỷ USD. Đây được xem là nhóm thị trường “bàn đạp” cho việc mở rộng xu hướng mua sắm giải trí ở các quốc gia khác trong khu vực.

Theo Doanh Chính – VietnamBiz

Tỷ giá VietinBank hôm nay 6/4: Đồng loạt giảm khi mua và bán

Thaiholdings đặt kế hoạch lãi 241 tỷ năm 2023