Hàng loạt thỏa thuận lịch sử
Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết hàng loạt thỏa thuận nhằm nâng cao quan hệ hai nước trong những lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, khoa học và quốc phòng.
“Đây là ví dụ về cách các cường quốc thế giới, những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có trách nhiệm đặc biệt trong duy trì ổn định và an ninh trên hành tinh, nên tương tác với nhau”, ông Putin nói tại bữa tiệc sau cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ.
Về lĩnh vực thương mại, ông Putin tán thành việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các thỏa thuận thương mại với các quốc gia tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Về quốc phòng, ông Putin mô tả mối quan hệ Nga-Trung khác với một liên minh chính trị-quân sự trong thời Chiến tranh Lạnh. Ông cho rằng quan hệ hiện nay “vượt trội hơn so với hình thức hợp tác trước kia, và không mang tính chất đối đầu”.
Moscow và Bắc Kinh đã đồng ý “thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển, trên không và các cuộc tập trận chung”, phát triển trao đổi, hợp tác quân sự bằng tất cả các cơ chế song phương sẵn có, tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang.
Tổng thống Nga cũng đã khen ngợi sáng kiến hòa bình tại Ukraine do Trung Quốc soạn thảo vào tháng trước, nói rằng nhiều yếu tố “có thể được coi là nền tảng cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kiev sẵn sàng”.
Tổng cộng, trong hội nghị thượng đỉnh tối ngày 21/3, Nga và Trung Quốc đã ký kết 14 tuyên bố, nghị định thư, bản ghi nhớ và thỏa thuận.
Trung Quốc muốn gì từ Nga?
Theo CNBC, một câu hỏi lớn xuất hiện trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập là Trung Quốc sẽ sẵn sàng làm gì để giúp đỡ Nga, và với cái giá như thế nào.
Trong hội nghị thượng đỉnh tối ngày 21/3, hai nhà lãnh đạo đã thỏa luận một loạt vấn đề, từ kế hoạch hòa bình tại Ukraine, tới sự hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự. Trong suốt cả thập kỷ qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đã trở nên ngày càng bền chặt. Vậy câu hỏi được đặt ra là, Bắc Kinh muốn gì từ việc giúp đỡ Moscow?
Một khía cạnh trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh luôn được các nhà phân tích địa chính trị nhất trí: Trung Quốc không bao giờ hành động hoàn toàn vì lòng vị tha và luôn có cái giá cho sự hỗ trợ hoặc can thiệp.
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể đang tìm cách tiếp cận tài nguyên và hàng hóa của Nga với mức giá rẻ. Trong hội nghị tối ngày 21/3, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga cũng đã thảo luận về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, kim loại và sản phẩm hóa học.
Ông Timothy Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management, cho biết: “Nga đang tham gia cuộc đàm phán trong tình trạng dễ bị tổn thương. [Bắc Kinh] biết [Moscow] tuyệt vọng và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ lấy mọi thứ có thể từ một nước Nga suy yếu”.
CNBC cho rằng Trung Quốc có thể tìm đến sự hỗ trợ của Nga trong các cuộc xung đột tương lai. Bắc Kinh có thể đang theo dõi xung đột Ukraine để nhìn nhận phản ứng của thế giới, và đưa ra những tính toán riêng cho mình.
Bà Alicja Bachulska, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu nói: “Một ngày nào đó, nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan, tôi đoán rằng [Trung Quốc] cũng sẽ cần những hình thức hỗ trợ từ Nga”. Tuy nhiên, “trong viễn cảnh ngắn hạn […] Nga sẽ trở thành một nguồn năng lượng rất rẻ cho Trung Quốc”, bà nói thêm.
Bà Bachulska lưu ý rằng Trung Quốc đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng và chuyển hướng sang Nga, cũng như tìm kiếm nguyên liệu thô từ người hàng xóm. Ngoài ra, Nga vẫn có một số lợi thế trong ngành công nghiệp quân sự, “chẳng hạn như công nghệ về động cơ phản lực trên máy bay chiến đấu, hoặc trong công nghệ hạt nhân”.
“Tuy nhiên, xét về tổng thể, Trung Quốc có ưu thế lớn hơn về kinh tế, và nếu Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Nga nhiều hơn, thì [sự chênh lệch này] sẽ càng rõ ràng”, bà nói thêm.
Trung Quốc muốn phương Tây yếu hơn
Nga – Trung cũng có nhiều điểm chung và gắn bó với nhau ở cấp độ ý thức hệ. Cả hai từ lâu đã có mối quan hệ thù địch với phương Tây, và coi NATO như biểu hiện của chủ nghĩa bành trướng, cũng như mong muốn một “thế giới đa cực”, trong đó sự thống trị của Mỹ bị thách thức.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải đồng hành cùng các đối tác chiến lược của mình khi không xa lánh phương Tây để duy trì khả năng tiếp cận các thị trường quan trọng.
Bắc Kinh cũng phải lo lắng về thông điệp gửi đến các đồng minh và đối tác bên ngoài Nga. Ông Ash cho rằng Trung Quốc sẽ thận trọng khi giúp đỡ Nga, để không làm các quốc gia “Global South” hoảng sợ. “Global South” là thuật ngữ để chỉ những nước đang phát triển ở Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.
“Trung Quốc phải đối mặt với hai lựa chọn: tăng viện trợ, giúp Nga duy trì cuộc chiến tại Ukraine hoặc thúc đẩy một số nỗ lực hòa bình. Lựa chọn đầu tiên sẽ không được ‘Global South’ ủng hộ, bởi vậy, tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ giúp Nga xuống thang xung đột”, ông Ash nhận định.
Theo Minh Quang – VietnamBiz