in

Phương Tây khiến Nga chật vật ở Ukraine, cả trên chiến trường lẫn không gian mạng

Theo Bloomberg, từ trước khi chiến dịch quân sự nổ ra ngày 24/2/2022, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công mạng vào Ukraine. 

Tin tặc bị tình nghi đến từ Nga đã nhắm đến chính phủ Ukraine cũng như các trang web tài chính bằng những cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) để tạo sự hỗn loạn; tấn công tổ chức phi lợi nhuận, công nghệ thông tin bằng phần mềm độc hại. 

Nga cũng được cho là đứng sau cuộc tấn công vào mạng lưới vệ tinh thương mại của Viasat, khiến hoạt động liên lạc tại Ukraine bị gián đoạn vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Người dân Ukraine sử dụng internet thông qua hệ thống Starlink. (Ảnh: Andrii Dubchak/Donbas Frontliner/Zaborona/Getty Images).

Chiến tranh mạng toàn diện không nổ ra

Chiến tranh mạng toàn điện đã không nổ ra, thay vào đó là những cuộc tấn công dai dẳng. Các quan chức an ninh mạng cho biết nguyên nhân chính khiến chiến tranh mạng không xảy ra là bởi Ukraine đã có sự chuẩn bị, cũng như hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp công nghệ của Mỹ.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, tin tặc Nga được nhà nước hậu thuận đã tấn công hệ thống mạng của Ukraine trong nhiều năm, nhắm đến các doanh nghiệp và công ty điện lực. 

Vào năm 2015 và 2016, những tin tặc này còn cắt hệ thống điện của Ukraine. Vào năm 2017, cuộc tấn công mạng vào lĩnh vực tài chính của Ukraine, sử dụng mã độc NotPetya, đã lan rộng khắp thế giới và gây thiệt hại 10 tỷ USD.

Các quan chức Ukraine đã bắt đầu chuẩn bị phòng thủ trước tin tặc Nga vào mùa thu năm 2021. Cùng với sự hỗ trợ từ phương Tây, Microsoft, Google và những doanh nghiệp công nghệ khác cũng giúp Ukraine tăng cường phòng thủ mạng. 

Ngoài việc cung cấp phần mềm miễn phí, những công ty này đã chia sẻ phân tích về tin tặc Nga, giúp chính phủ Ukraine bịt lại những lỗ hổng, cung cấp thông tin về những mối đe dọa trên mạng. 

Một yếu tố khác giúp tạo nên thành công của Ukraine là việc Moscow dự đoán xung đột kết thúc nhanh và các cuộc tấn công mạng sẽ khiến chính phủ Kiev sụp đổ trong thời gian ngắn.

Theo công ty an ninh mạng Recorded Future, các cuộc tấn công mạng, một phần trong chiến tranh hỗn hợp (hybrid war), đã liên tục thất bại “mà không tạo thuận lợi đáng kể cho bước tiến của quân đội”.

Ông Jon Bateman, nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: “Để gây ảnh hưởng tới cục diện cuộc chiến, các hoạt động trên không gian mạng phải được tiến hành với tốc độ mà Nga dường như chỉ có thể duy trì trong vài tuần”.

Ông Bateman cho rằng thất bại của Nga không phải ở việc lập kế hoạch, mà do sự thiếu năng lực của lực lượng tác chiến trên mạng của Moscow.

Theo Google, xung đột Ukraine đánh dấu lần đầu tiên các hoạt động trên mạng đóng vai trò quan trọng. Công ty an ninh mạng Mandiant thuộc Google Cloud cho biết các cuộc tấn công mạng ở Ukraine trong 4 tháng đầu năm 2022 có sức tàn phá hơn 8 năm trước đó.

Theo CrowdStrike Holdings, các cuộc tấn công mạng nhằm vào Ukraine đạt mức cao nhất vào quý I/2022 và tăng trở lại vào cuối năm, trong khi các hoạt động tình báo đạt đỉnh vào quý đầu tiên và chững lại trong phần còn lại của năm.

Trong một báo cáo gần đây, Cơ quan Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt của Ukraine kết luận rằng trọng tâm của tin tặc Nga đã chuyển từ truyền thông và viễn thông sang lĩnh vực năng lượng, vốn cũng là mục tiêu của các đợt tấn công tên lửa.

Ngoài ra, mục đích tấn công mạng của Nga thay đổi từ gây gián đoạn sang gián điệp và đánh cắp dữ liệu.

Theo Minh Quang – VietnamBiz

TPBank sẽ bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới vào tháng 4

Báo cáo FDI 2022: Thách thức và cơ hội thu hút FDI xanh và chuyển đổi số