in

Xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ trong hai tháng 2023 gấp 100 lần cả năm 2022: Ngôi sao mới nổi trong thị trường tiêu thụ thép Việt Nam?

Xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt trong hai tháng đầu năm. Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 1, lượng thép xuất khẩu sang quốc gia này gấp 63 lần so với cả năm 2022 ở mức 63.605. Bước sang tháng 2, lượng xuất khẩu bắt đầu hạ nhiệt xuống 40.729, nhưng con số này vẫn gấp 40 lần so với cả năm 2022. 

 

   Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

 

Với tổng nhập khẩu 104.335 trong 2 tháng đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 7,3% trong cơ cấu các thị trường tiêu thụ thép của Việt Nam. Tỷ trọng này thậm chí còn cao hơn cả Mỹ (6,7%). 

 

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

Lý giải cho vấn đề này, trao đổi với người viết, bà Trang Thị Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết mặc dù lượng xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh nhưng đặt trong bối cảnh chung các thị trường thì khối lượng này cũng không quá lớn so với những thị trường khác như Italy (190.640 tấn) hay Campuchia (203.647 tấn).

 

“Cả năm ngoái lượng xuất khẩu thép sang thị trường này chỉ hơn 1.000 tấn nhưng năm nay lại tăng xuất khẩu được hơn chục nghìn tấn trong 2 tháng đầu năm nên xét tương đối tăng mạnh nhưng con số tuyệt đối thì lại không quá nhiều so với các thị trường khác”, bà Hà cho biết.

Bà giải thích thêm việc tỷ trọng thép xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ vượt Mỹ một phần cũng vì hoạt động bán hàng tại các thị trường truyền thống giảm. 

Theo đó, lượng thép xuất khẩu sang Mỹ trong hai tháng đầu năm giảm sâu 48% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 91.152 tấn. Kim ngạch xuất khẩu giảm 72% xuống 72 triệu USD. 

Ngoài Mỹ, việc xuất khẩu sang thị trường EU cũng khó khăn khi khối này cũng đẩy mạnh phỏng vệ thương mại. Thời gian tới, EU có thể đưa Việt Nam vào diện nhập khẩu thép theo hạn ngạch. 

Trong báo cáo thị trường thép tháng 2, VSA nhận định: “Việc phát triển đa dạng xuất khẩu sản phẩm là một mặt nhưng đồng thời cơ cấu thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam cũng thay đổi. Điều này này cho thấy sự linh hoạt thích ứng của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tăng nhờ động lực tái kiến thiết cơ sở hạ tầng?

Trong tháng 2 vừa qua, hai trận động đất kép 7,7 độ và 7,6 độ xảy ra làm rung chuyển 10 tỉnh phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 6/2 đã cướp đi mạng sống của hơn 43,5 nghìn người tại nước này, phá hủy 164 nghìn tòa nhà và 520 nghìn căn hộ. 

 

Một số ý kiến cho rằng 2 trận động đất chính là nguyên nhân khiến lượng thép xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh vì nước này cần lượng thép lớn để tái kiến thiết cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, động đất xảy ra từ đầu tháng 2 trong khi hoạt động xuất thép tăng ngay từ tháng 1. 

“Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp đang tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới thay vì quá tập trung vào các thị trường truyền thống như trước. Tuy nhiên, để đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ có là điểm sáng trong năm nay hay không? Liệu rằng việc xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng sau động đất có khiến nhu cầu nhập khẩu thép Việt Nam của nước này có tăng mạnh hay không? cũng cần thời gian ít nhất 1-2 quý nữa mới có thể đánh giá được. Chưa kể, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà sản xuất thép lớn trên thế giới và thị phần của Việt Nam cũng quá nhỏ”, bà Hà nhận định. 

Theo số liệu của hải quan Thổ Nhĩ Kỳ, trong tháng 1, Nga và Trung Quốc là hai nguồn cung thép nhập khẩu lớn cho nước này, chiếm lần lượt là 15% và 11%. Trong khi đó, thị phần của Việt Nam chỉ khoảng 0,003%. Năm ngoái, quốc gia này chi 28,4 tỷ USD cho nhập khẩu thép, tăng 3% so với năm 2021 nhưng tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2020 – 2021.  

 

  Số liệu: Hải quan Thổ Nhĩ Kỳ (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

 

 Số liệu: Hải quan Thổ Nhĩ Kỳ (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

Bình luận về vấn đề này Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng: “Đặt trong bối cảnh chung ngành thép, tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ rất ít. Trong khi đó, theo một số dự báo tổng nhu cầu thép của các thị trường chính của Việt Nam như EU có thể giảm 5%. Do đó, ngay cả khi chúng ta có điểm sáng tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trong bức tranh tổng thể thì tác động của việc tăng trưởng của thị trường này cũng không quá lớn”. 

Mặc dù vậy, theo bà Hiền những khó khăn nhất của ngành thép cũng đã qua vàhàng tồn kho giá cao của các doanh nghiệp thép giảm mạnh vào cuối quý IV. Nhưng để xác định ngành thép khi nào phục hồi sẽ còn phụ thuộc vào nhiều biến số như diễn biến thị trường bất động, tốc độ giải ngân đầu tư công, nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu….

 

Theo H.Mĩ – VietnamBiz

Tại sao Credit Suisse được bán với giá hơn 3 tỷ USD thay vì chỉ 3 USD?

Sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để mở ‘cánh cửa’ visa ngay từ tháng 5