Thực phẩm tại Anh thiếu hụt
Theo tờ Daily Mail (Anh), các siêu thị tại Anh đang hạn chế số lượng cà chua, dưa chuột, ớt và rau diếp bán ra, khi nông dân nước này phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng cao, khiến họ không thể sử dụng nhà kính vào mùa đông để trồng chúng. Những loại trái cây mềm, bao gồm cả quả mâm xôi, cũng khó tìm thấy ở các cửa hàng.
Siêu thị Asda Filton ở Bristol (Anh) phải hạn chế số lượng trứng và rau quả bán ra do thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Ảnh: Daily Mail
Tony Montalbano – Giám đốc công ty rau quả Green Acre Salads ở Roydon (Anh) – cho biết, công ty của ông thường sản xuất một triệu kg dưa chuột non mỗi năm, nhưng các nhà kính của ông đã để trống vào tháng trước.
Ông Montalbano đã trì hoãn việc trồng trọt của mình để tránh việc hóa đơn nhiên liệu trong mùa đông tăng vọt lên tới 500.000 bảng/tháng (hơn 14 tỉ đồng). Ông dự đoán, sản lượng của mình sẽ bị giảm khoảng một nửa trong năm nay.
“Thật buồn và bực bội nhưng tôi không đủ khả năng để trồng trọt. Tôi phải kiếm được lợi nhuận, nếu không, chẳng có ích gì khi tiếp tục. Rất nhiều người đã đóng cửa nhà kính và bán hết tài sản”, ông Montalbano nói.
Jack Ward – Giám đốc điều hành Hiệp hội những người trồng trọt của Anh -nói: “Trên khắp đất nước, chúng tôi có những ngôi nhà kính trống không. Những người trồng hai hoặc ba vụ dưa chuột một năm có thể cắt giảm xuống chỉ còn một vụ vì họ muốn tránh phải sử dụng năng lượng với giá đắt đỏ hơn.”
Theo tờ Daily Mail, trứng cũng đang được bán ra với số lượng hạn chế vì nông dân không đủ khả năng trả chi phí giữ ấm cho gà đẻ trong chuồng trại ngốn nhiều năng lượng. Kết quả là nhiều mặt hàng thiết yếu ở Anh đắt hơn nhiều so với ở Nga.
Người Nga vẫn no đủ
Trong khi đó, theo tờ Daily Mail, những bức ảnh được chụp tại một trung tâm mua sắm ở Perm – thành phố tại vùng núi Ural của Nga, cách Moskva 24 giờ lái xe – cho thấy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga không có nhiều tác dụng. Các kệ hàng tại đó xếp đầy thực phẩm tươi sống.
Các kệ hàng tại thành phố tỉnh lẻ Perm (Nga) xếp đầy thực phẩm tươi sống. Ảnh: Daily Mail
Cư dân Perm và những nơi khác ở Nga có rất nhiều thực phẩm với giá rẻ. Năng lượng chi phí thấp ở quốc gia giàu khí đốt có nghĩa là rau có thể được trồng trong nhà kính ấm áp suốt mùa đông khắc nghiệt. Nga cũng có thể nhập khẩu số lượng lớn trái cây từ các quốc gia thân thiện, chẳng hạn như Iran – nơi có khí hậu ấm áp hơn.
Người dân Nga cũng không phải lo lắng về việc sưởi ấm nhà cửa, trong khi việc đổ xăng hoặc dầu diesel dồi dào với giá rẻ cho ô tô thật dễ dàng.
Tờ Daily Mail nhận định, hơn một năm kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, có vẻ như hầu hết những người dân Nga bình thường ít phải đối mặt với thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày.
John – một nhà nghiên cứu 67 tuổi, sinh ra ở Anh – và người vợ Nga của ông, Helena – cựu giảng viên đại học, 51 tuổi – nói với phóng viên Daily Mail từ căn hộ hai phòng ngủ của họ tại Perm rằng: “Khủng hoảng, khủng hoảng gì? Chúng tôi đang sống cuộc sống bình thường bất chấp tình hình Ukraine. Chúng tôi xem những gì đang xảy ra ở Anh với các kệ thực phẩm trống rỗng. Chúng tôi đang ở Nga, làm việc ở đây và không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.”
John và Helena nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột Ukraine không được họ quan tâm nhiều. “Người Nga bình thường quan tâm đến việc có một ngôi nhà ấm áp, thức ăn trên bàn, một ly vodka và an toàn cá nhân trên đường phố. Chúng tôi có tất cả những thứ đó. Không có gì bị thay đổi bởi cuộc chiến”.
Các hóa đơn mà John và Helena phải chi trả bao gồm phí bảo trì tòa nhà, tiền điện chiếu sáng và hệ thống sưởi, tiền nước và phí thu gom rác, chỉ là 130 bảng/tháng (khoảng 3,7 triệu đồng). Cặp vợ chồng này cũng có một dacha, hay còn gọi là nhà tranh, ở ngoại ô Perm.
Các loại thực phẩm vẫn rất đầy đủ trong cửa hàng ở Perm (Nga). Ảnh: Daily Mail
Hàng hóa Nga thay thế dần hàng hóa phương Tây
Tuy nhiên, theo tờ Daily Mail, tiền lương ở Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với ở Anh. Thu nhập trung bình năm 2022 của mỗi người dân Nga là dưới 14.000 bảng (395 triệu đồng) so với 33.000 bảng (932 triệu đồng) ở Anh.
Anh vẫn là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, trong khi Nga, thậm chí với dân số hơn gấp đôi, tụt xuống vị trí thứ 11 – sau Ý, Hàn Quốc và Canada. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang có một số ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm ngoái, nền kinh tế Nga đã giảm tới 3,9%, với dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa.
Và nhiều công ty lớn của phương Tây đã cắt đứt quan hệ với Moscow. Ở Perm, hầu hết các cửa hàng quần áo và cửa hàng nhượng quyền thương mại thuộc sở hữu của người châu Âu đã đóng cửa, thay vào đó là cửa hàng của Nga.
Tờ Daily Mail nhận định, với chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều so với ở Anh và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, mọi thứ ở Nga dường như không thay đổi.
Từ Perm, John nói với phóng viên Daily Mail rằng: “Tôi đã tận mắt chứng kiến rằng các biện pháp trừng phạt không làm tổn hại đến nước Nga. Mọi người hầu như không nhận thấy bất cứ điều gì khác biệt trên đường phố. Các cửa hàng có đầy đủ mọi thứ họ muốn hoặc cần.”
Ông John cũng cho biết: “Doanh thu từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ sang các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt đang tăng mạnh. Điểm mấu chốt là nhiều tiền chảy vào đất nước [Nga] hơn là chảy ra ngoài. Nhập khẩu từ châu Âu giảm nhưng trớ trêu thay, sản xuất lại phát triển khi Nga trở thành một quốc gia tự cung tự cấp hơn”.
“McDonald’s hiện đã được thay thế bằng ‘Tasty, Full Stop’ do Nga sở hữu và tất cả những người Nga trẻ tuổi đều thích đồ của họ hơn. Chúng tôi có đậu nướng Heinz và vẫn còn hàng nhập khẩu, chẳng hạn như bia Corona, trong siêu thị địa phương. Cũng có rất nhiều loại rượu vang từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Chúng tôi sống cuộc sống tốt đẹp ở đây”, John nói thêm.
Theo Hữu Hiển – CafeF