in

Thị trường tiêu thụ ảm đạm, doanh thu tháng 4 của Vĩnh Hoàn giảm 47%

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố doanh thu tháng 4/2023 với 869 tỷ đồng, giảm 47% so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái. Còn so với tháng 3 trước đó, kết quả này giảm gần 16%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 3.121 tỷ đồng và tương ứng 27% kế hoạch năm.

Theo ban lãnh đạo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, nhu cầu cá phi lê thấp trên thị trường toàn cầu và giá thức ăn chăn nuôi (cụ thể là đậu nành và bắp ngô) tăng trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 2023 – 2024. Riêng năm 2023, công ty dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 43% về 1.000 tỷ đồng. 

 

 Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty. 

Xét theo cơ cấu doanh thu trong tháng 4, hầu hết các mảng đều giảm hai chữ số, trong đó mảng cá tra giảm mạnh nhất với 55% về còn 519 tỷ đồng, chiếm 60% doanh thu. Điểm sáng duy nhất là các sản phẩm bún và bánh gạo khi tăng 16% nhưng tỷ trọng đóng góp không nhiều.

 

Mảng cá tra giảm mạnh nhất với 55% về còn 519 tỷ đồng trong tháng 4. (Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty). 

 

Nếu xét theo thị trường, hầu như tất cả các quốc gia tiêu thụ chính của Vĩnh Hoàn đều ghi nhận doanh thu giảm sút, trong đó Mỹ giảm 69%. Doanh thu tại thị trường nội địa cũng không khả quan khi chỉ còn 203 tỷ, giảm 24%.

 

 

 Mỹ là thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu giảm sút nhất trong tháng 4/2023. (Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty).   

Số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 4 của Việt Nam tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 810 triệu USD.

Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh, trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác. 

Theo VASEP, riêng thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Mỹ đã quá “ngao ngán” với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao. Giờ đây, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần. 

Tình trạng này khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.

 

Theo Minh Hằng – VietnamBiz

CEO Tim Cook hưởng ứng sự kiện khai trương Apple Store trực tuyến tại Việt Nam

Thúc đẩy thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam