Tại talkshow “Cập nhật vĩ mô tháng 3/2023” của Kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup dự báo quý I và quý II năm nay, chỉ số vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khá tiêu cực do đây là giai đoạn thẩm thấu của đợt tăng lãi suất năm ngoái, quý III và quý IV sẽ là một bức tranh tươi sáng hơn.
Ông nhắc lại bài toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện tại không phải là tỷ giá mà là hạ lãi suất thị trường 1 và vấn đề trái phiếu. Các giải pháp cho hai vấn đề này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng luôn có độ trễ.
“Có thể cuối quý II, đầu quý III, các chính sách, giải pháp mới bắt đầu thẩm thấu và hỗ trợ sự đi lên của nền kinh tế”, ông nói.
Theo CEO WiGroup, năm 2023 Tết đến sớm so với các năm trước nên để có cái nhìn chuẩn xác về số liệu vĩ mô, cần nhìn đầy đủ cả hai tháng đầu năm. Số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, xuất khẩu đều ghi nhận sự sụt giảm lớn. Đây không phải là điều bất ngờ vì những khó khăn hiện tại đã được nhìn thấy từ quý IV năm ngoái. “Năm 2023 là một năm rất khó về tăng trưởng kinh tế nhưng dòng tiền đỡ căng thẳng”, ông nhắc lại.
Về lãi suất, ông Báu cho rằng gần như lãi suất rất khó giảm khi Mỹ vẫn tăng lãi suất. Ngoài ra, nhìn vào đà giảm của lãi suất huy động, phải thừa nhận rằng NHNN đã cố gắng rất nhiều, nhưng không thể hy vọng giảm mạnh,
“Nền kinh tế và các doanh nghiệp phải tập làm quen với việc chi phí vốn không còn rẻ như xưa, và điều này sẽ kéo dài ít nhất 1-2 năm nữa”, ông Trần Ngọc Báu dự báo.
Dự báo về tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường, CEO WiGroup cho rằng quý I sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lợi nhận toàn thị trường, thậm chí nhiều hơn mức 30% của quý IV/2022.
“Độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ phản ánh rõ nét vào nền kinh tế trong quý I. Chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng rõ ràng hơn, không những đến từ khối doanh nghiệp sản xuất mà đến từ cả nhóm ngân hàng, chứng khoán”, ông nói.
Phân tích thêm, ông Báu cho hay những nhóm ngành dẫn dắt thị trường chính như ngân hàng, bất động sản sẽ rất khó khăn trong 2023, đỉnh điểm sẽ rơi vào quý I và dãn dần vào quý III, quý IV.
Với ngành ngân hàng, nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2022, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn bộ hệ thống giảm rất nhanh, làm chi phí vốn tăng, NIM của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Lãi suất đầu vào cũng tăng, đầu ra gặp khó khăn bởi thị trường bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho rằng có khá nhiều chỉ số vĩ mô sẽ tác động trực tiếp vào ngành ngân hàng – ngành chiếm trọng số lớn nhất về lợi nhuận trên thị trường chứng khoán. Kinh tế ảm đạm dẫn đến nhu cầu tín dụng cũng bị ảnh hưởng theo, do đó tăng trưởng tín dụng quý I năm nay chắc chắn là thấp, đương nhiên kết quả lợi nhuận của ngân hàng sẽ yếu đi.
Song, kết quả kinh doanh và lợi nhuận của khối ngân hàng còn phụ thuộc rất nhiều vào các mô hình tài chính được sử dụng trong việc lập báo cáo tài chính. Chỉ riêng vấn đề phân loại nợ, dư nợ cho lĩnh vực bất động sản, trái phiếu đã có Nghị định 08. Có thể bản chất nhiều khoản trái phiếu đã là nợ xấu nhưng với việc sử dụng kỹ thuật đàm phán, những khoản nợ này sẽ chưa tác động ngay vào các con số.
Còn các khoản nợ thuộc khối sản xuất nhiều khi sẽ phụ thuộc vào câu chuyện khẩu vị rủi ro, tức là ngân hàng phân loại nhóm nợ như thế nào. Chuyên gia cho rằng nhìn vào yếu tố bên ngoài có thể thấy nhiều khó khăn đối với ngành ngân hàng nhưng một số công ty chứng khoán vẫn dự báo lợi nhuận ngành tăng vì họ đang căn cứ vào hành động của các ngân hàng như sử dụng kỹ thuật để khiến con số trở nên tốt hơn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng nợ xấu là một điểm cần lưu ý trong năm 2023 của ngành ngân hàng bởi chỉ tiêu này có ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành năm nay.
Theo Anh Đào – VietnamBiz