in

PVS lãi ròng 225 tỷ quý II, 40% tài sản là tiền mặt

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã: PVS) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II với 4.711 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ.

Giá vốn bán hàng chiếm 96% doanh thu, đạt 4.522 tỷ đồng tăng 23%. Biên lãi gộp đạt 4% tăng 2 điểm % so với quý II/2022.

Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 50% xuống 15 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24% xuống 231 tỷ đồng. Còn chi phí bán hàng không biến động nhiều so với kỳ trước.

Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 34 tỷ đồng. Đây là khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định hợp đồng với khách hàng trong quý.

Trừ hết đi chi phí, PVS ghi nhận 225 tỷ đồng lãi ròng, gấp 32 lần so với cùng kỳ do tình hình kinh doanh cải thiện và chi phí được tiết giảm.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần PVS đạt 8.414 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 464 tỷ đồng tăng lần lượt 11%, 78% so với cùng kỳ. Như vậy, sau hai quý, công ty đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu, 83% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo PVS cho biết công ty đang triển khai định hướng phát triển lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) song song với các lĩnh vực dịch vụ dầu khí truyền thống.

Trong đó, hai trụ cột chính trong phát triển NLTTNK của PVS là trở thành nhà thầu cung cấp dịch vụ và tham gia đầu tư phát triển các dự án sản xuất NTLLNK mà trước mắt là các vùng biển Việt Nam.

Tại đại hội, ban lãnh đạo cũng tiết lộ PVS đang có thỏa thuận với nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản và một số nhà đầu tư khác liên quan đến vốn đầu tư cho mảng NLTTNK, thậm chí là PVS có thể lấn sang các sản phẩm thứ cấp như hygro. PVS cũng đang hướng tới thị trường Australia.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, tổng tài sản của công ty đạt 27.057 tỷ đồng tăng 5% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 10.748 tỷ đồng, chiếm 40% tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty nhận về gần 233 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng gần 4.566 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là lớn nhất, với 1.674 tỷ đồng.

Cuối quý II, tổng nợ vay của PVS khoảng 1.356 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 13.134 tỷ đồng bao gồm 3.772 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Chốt phiên 1/8, cổ phiếu PVS dừng tại 33.700 đồng/cp, tăng 35% so với thị giá đầu tháng 5.

Diễn biến giá cổ phiếu PVS từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Trading View).

Theo Lâm Anh – VietnamBiz

Thị trường chứng khoán khó điều chỉnh sâu khi thanh khoản vững vàng, nhưng NĐT cần lọc cổ phiếu khi VN-Index trên 1.200 điểm

Cao tốc hai làn nhiều bất cập