Theo số liệu tổng hợp từ 28 ngân hàng thương mại trong nước đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng có xu hướng sụt giảm đồng loạt trong kỳ.
Có tới 21/28 nhà băng trong nhóm khảo sát ghi nhận ROE sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tổng lợi nhuận ròng trên tổng vốn chủ sở hữu của 28 ngân hàng khảo sát giảm từ 5,97% về 4,71%.
Dẫn đầu về ROE vẫn là lợi thế của các ngân hàng cổ phần, ACB vượt qua VIB vươn lên dẫn đầu với ROE đạt 6,84% (giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước). TOP ba ngân hàng có ROE cao nhất là các gương mặt như ACB, VIB và SHB.
Vietcombank xếp ở vị trí thứ 4 với ROE đạt 6,42% trong khi BIDV xếp ở vị trí thứ 7 còn VietinBank không nằm trong Top 10 (gồm: ACB, VIB, SHB, Vietcombank, MB, HDBank, BIDV, LPBank, Sacombank và Nam A Bank).
Những ngân hàng có ROE giảm mạnh nhất phải kể đến như VPBank; LPBank; VietABank, Ngân hàng Bản Việt;…
Ở chiều ngược lại, 7 ngân hàng có ROE tăng so với cùng kỳ gồm: BIDV, Sacombank, OCB, Kienlongbank, Bac A Bank, PG Bank và Vietbank.
Lợi nhuận quý I của các ngân hàng “ngấm đòn” sau tác động từ lạm phát, lãi suất tăng cùng với ảnh hưởng từ sự trầm lắng, đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp là nguyên nhân chính kéo giảm ROE của các ngân hàng trong những tháng đầu năm.
Theo số liệu từ Wigroup,NIM toàn ngành ngân hàng trong quý I giảm nhẹ xuống mức 3,61% từ mức 3,79% của quý IV/2022. Bóc tách tỷ lệ NIM theo từng nhóm, có thể nhận thấy tăng trưởng NIM của NHTM Nhà nước và NHTM khác cũng không thể bù đắp sự sụt giảm NIM đến từ NHTM lớn như VPBank, Techcombank, MB.
“Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận 2023 được đánh giá là một năm đầy áp lực so với năm 2022 của ngành ngân hàng trong bối cảnh những rủi ro trên thị trường ngày một gia tăng như chi phí vốn và chi phí dự phòng gia tăng, tín dụng tăng chậm”, các chuyên gia Wigroup dự báo.
Theo – VietnamBiz