Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, tổ chức chiều 18/5, trả lời câu hỏi về phương án cung ứng điện trong mùa cao điểm,ông Nguyễn Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay, các hồ thủy điện đang ở mực nước khai thác giảm dần, nhiều hồ về mực nước chết, gây khó khăn cho vận hành, cung ứng điện.
Do đó, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp trong đó, chỉ đạo các đơn vị vận hành, cung ứng nhiên liệu than, khí cho phát điện. Cụ thể, trong tháng 5, Bộ Công Thương đã họp với các đơn vị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), EVN để nỗ lực cung ứng điện đầy đủ. Thực hiện nghiêm việc cung cấp than cho việc phát điện.
Một giải pháp khác là khẩn trương đàm phán, huy động các nguồn điện đã sẵn sàng, đặc biệt là các dự án điện tái tạo.
Ông Hoà cho biết tính đến ngày 18/5, Bộ Công Thương, EVN và các chủ đầu tư đã thống nhất tạm thời giá cho 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời. Khi đáp ứng đầy đủ các quy định,nguồn cung từ các nhà máy này sẽ được huy động lên lưới điện quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Công Thương trước đó đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố tổ máy, sẵn sàng huy động trở lại.
Trong cuộc họp diễn ra cùng ngày,Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn. Tuy nhiên, việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25/5, nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng diện tăng cao và đợt khô hạn khiến lượng nước tại các hồ thủy điện giảm, trong khi việc nhập khẩu than từ Indonesia bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện.
Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp trước mắt với yêu cầu từ nay tới ngày 25/5, không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Theo đó, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước, cần bao nhiêu thì cung cấp bấy nhiêu.
Các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước… than của các nhà máy khác.
Thứ ba, khai thác tối đa nguồn thủy điện cho đến thời điểm phù hợp.
Thứ tư, Tập đoàn Dầu khí quốc gia bảo đảm cung cấp khí, dầu cho các nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu.
Thứ năm, tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.
Tăng giá điện 3% không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô
Phản hồi câu hỏi liên quan đến vấn đề tác động của việc tăng giá điện bình quân tăng 3%, theo ông Hoà, việc tăng giá vừa qua chưa đủ để bù đắp cho khoảng lỗ 26.000 tỉ đồng của EVN.
Tuy nhiên, đổi lại, mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá bán điện đến kinh tế vĩ mô được hạn chế tối đa do “đây là mức tăng thấp nhất theo quyết định 24 của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân”.
Ông Hoà cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra phương án có tăng giá điện thêm nữa hay không.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện vừa qua giúp Tập đoàn tăng doanh thu năm 2023 thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, bù được một phần khoản lỗ vẫn treo của năm 2022 và năm trước đó.
Trước đó, trao đổi với người viết bên lề buổi họp diễn ra hồi đầu tháng 5 , ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết với chi phí sản xuất điện đã được kiểm tra trong năm 2022, giá điện phải tăng 17% thì tập đoàn mới cân đối được tài chính.
Ông Lâm cho biết hàng quý, EVN rà soát lại chi phí sản xuất điện để báo cáo với Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước, dựa vào biến động giá thành này thì EVN mới có cơ sở báo cáo lên Thủ tướng về việc đề xuất điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, theo quy định, tối thiểu 6 tháng mới được điều chỉnh giá điện một lần.
Về lộ trình điều chỉnh giá điện trong lần tiếp theo, ông Hoà cho biết Bộ Công Thương sẽ tuân thủ nghiêm túc Quyết định 24, trong đó quy định rõ ở điều kiện nào thì được xem xét điều chỉnh mức giá bán lẻ điện.
Theo H.Mĩ – VietnamBiz