in

Bến Tre thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

Bến Tre đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Qua đó, góp phần tăng trưởng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, hiện tỉnh đang triển khai Kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố giai đoạn 2021-2025, phù hợp điều kiện phát triển của từng địa phương.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, khoảng 50% cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đạt trên 50% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, thời gian qua, việc phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn được địa phương quan tâm như phân bổ vốn để thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã bố trí kinh phí hơn 25,3 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp như Tân Thành Bình, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm.

Thêm vào đó, tỉnh tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút thêm các dự án đầu tư thứ cấp cũng như đầu tư hạ tầng vào cụm công nghiệp. Địa phương thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và củng cố lại Tổ dịch vụ công cấp tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư. Mặt khác, hạ tầng giao thông ngoài cụm cũng được quan tâm đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa.

Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp cũng đầu tư phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, cụm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các cụm công nghiệp ở huyện chưa được giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất. Thay vào đó, các huyện dùng hình thức vận động doanh nghiệp tự ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng tạo đất sạch, tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động.

Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm. Đối với doanh nghiệp năng lực tài chính yếu thì gặp khó khăn khi đầu tư theo hình thức này, nên ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do phần lớn người dân không đồng tình với đơn giá quy định của Nhà nước nên tiến độ thường kéo dài. Ngoài ra, do nền địa chất tại Bến Tre yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn…, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân cho hay, huyện hiện có 3 cụm công nghiệp được đưa vào phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030 gồm Phong Nẫm với diện tích 73,3 ha, Phong Nẫm 2 và Thị Trấn – Bình Hòa mỗi cụm có diện tích 75 ha.

Giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do giá đất thị trường khu vực cụm tăng cao, người dân không đồng ý với hệ số và đơn giá Nhà nước quy định. Thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Nguồn ngân sách của huyện hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng giao thông, cầu tàu, hệ thống xử lý nước thải tập trung… thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đầu tư, bố trí vốn cho khu, cụm công nghiệp. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bến Tre đầu tư có trọng tâm, trọng điểm dựa trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế của từng khu, cụm công nghiệp.

Sở Công Thương Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 9 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 329 ha. Đến nay, có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động với 27 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 7.833 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.930 lao động.

Theo Công Trí – VietnamBiz

Đôị tuyển nữ Việt Nam lần thứ 8 giành HCV SEA Games, THACO tuyên bố tặng 1 tỷ đồng

Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt: Định hướng đến 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 71,5%