Ngân hàng rất muốn cho vay nhưng không có dự án
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02 diễn ra vào chiều 25/4, Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết ngân hàng cũng rất trăn trở và cũng có nhiều giải phấp từ đầu năm liên quan đến vấn đề giảm lãi suất và các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng.
Qua phân tích đánh giá của Agribank, trong 10 khu vực kinh tế toàn quốc, ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở hai khu vực là đông nam bộ và tây nam bộ, có khu vực cùng kỳ năm ngoái của agribank tăng trưởng tốt nhưng năm nay lại giảm như khu vực Đồng Bằng Sông Hồng. Nguyên nhân chính là khó khăn của nền kinh tế chứ không phải từ cơ chế chính sách hoặc vấn đề về lãi suất cho vay.
Agribank cũng triển khai hội nghị trực tuyến để phân tích tình hình tín dụng của Agribank trong 3 tháng đầu năm và đưa ra giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Đặc thù khách hàng của Agribank là nhỏ lẻ và phục vụ khách hàng nông thôn, do đó tăng trưởng tín dụng quý I thấp cũng do tính mùa vụ.
Đối với chính sách của NHNN và chính phủ, Agribank đã triển khai kịp thời đặc biệt giảm lãi suất tối đa 3% so với khách hàng liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Về gói 120.000 tỷ đồng, Agribank đã có hai phương án triển khai nhưng ngay từ đầu ngân hàng đã báo cáo là không có dự án để cho vay, không phải ngân hàng không tiếp cận được. Ngân hàng cũng rất mong muốn có dự án để tăng trưởng tín dụng nhưng còn nhiều vướng mắc.
Bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết Vietcombank là một trong những ngân hàng chủ động tham gia ngay từ đầu hỗ trợ lãi suất trong khả năng của ngân hàng với hai đợt giảm lãi suất rất mạnh từ đầu năm 2023. Như Agribank, chúng tôi cho rằng khó khan nhất hiện nay là sức hấp thụ của nền kinh tế và khả năng tăng trưởng vốn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về phía BIDV, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Lâm cho biết tính đến 25/4, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 5,02%; huy động vốn tăng trên 2%. Trong giai đoạn này, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khan đến từ chính sách kiểm soát lạm phát của các quốc gia.
Thực tế, BIDV nhận thấy sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua có xu hướng giảm, đặc biệt đối với doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đơn hàng giảm nên nhu cầu vay vốn cũng giảm so với giai đoạn trước. Với các khách hàng cá nhân, sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay nhà ở, do ảnh hưởng của thị trường BĐS, các giao dịch và nhu cầu vay vốn mua nhà ở trong giai đoạn qua đều giảm. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
BIDV luôn đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp và các nhân. Tăng trưởng tín dụng của BIDV cao hơn một chút so với bình quân không hẳn là do nhu cầu tín dụng tăng, mà có sự chuyển dịch nhất định từ những nơi doanh nghiệp vay với lãi suất cao về ngân hàng quốc doanh (lãi suất cho vay thấp hơn).
Ngân hàng cũng luôn tiên phong trong việc giảm lãi suất huy động nhằm kéo giảm lãi suất cho vay. Thực tế lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã được giảm 0,5 – 2 điểm % so với đầu năm 2023. BIDV mong NHNN và các ngân hàng cùng giảm lãi suất huy động (giảm chi phí đầu vào) để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ngân hàng đã triển khai đến các chi nhánh để phổ biến, tuy nhiên Bộ Xây Dựng hiện giao cho UBND tỉnh, TP công bố danh mục dự án. Trên cơ sở đó, các ngân hàng mới tiếp cận để có thể thu thập hồ sơ vay vốn.
“Chúng tôi nghĩ không thể triển khai nhanh được, đặc biệt trong giai đonạ vừa rồi thủ tục pháp lý các dự án tương đối chậm, nhất là các dự án BĐS. Do đó, việc triển khai gói tín dụng này cũng cần thời gian”, ông Lâm cho hay.
Hiện nay, các ngân hàng cũng rất muốn cho vay nhưng các dự án hiện đang vướng mắc, thiếu về mặt pháp lý nên không có dự án để các ngân hàng tiếp cận cho vay, dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc VietinBank khẳng định ngành ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với nền kinh tế và dư địa cũng như các chính sách để ngân hàng có thể chia sẻ với nền kinh tế thực sự không còn nhiều.
Về tín dụng, bản chất vấn đề là do sự hấp thụ vốn của nền kinh tế. “Giờ đưa tiền cho doanh nghiệp họ cũng không nhận, không có cơ hội làm ăn. Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, đặc biệt ở những thị trường lớn như Mỹ và châu Âu”, ông Dũng nói.
Có nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hầu hết ngân hàng mức độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, xung quanh 2%. Một số ngân hàng mới chỉ tăng hơn 1% như Agribank, thậm chí cuối tháng 3 vẫn tăng trưởng âm.
Tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%), ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng như đã nêu ở trên, còn có nguyên nhân do thị trường BĐS tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án) dẫn tới tín dụng BĐS tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp…
Ông Tú cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp có nguyên nhân từ chủ quan ngân hàng. Sau vụ việc SCB nổ ra, các ngân hàng khác cũng “giật mình” và phải quản lý dòng tiền tốt hơn, thanh khoản tốt hơn.
Đồng thời xem xét chất lượng tín dụng tốt hơn để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và cả hệ thống. Điều này rất cần thiết tuy nhiên sự chặt chẽ, thận trọng trong hoạt động cấp tín dụng cũng khiến các khoản cho vay bị chậm hơn, khó khăn hơn.
Theo – VietnamBiz