in

Hơn 6 tỷ USD vốn FDI ‘chảy’ vào Quảng Nam

Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo gửi Bộ KH&ĐT về tình hình thu hút, quản lý vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2022.

Theo đó, trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 76 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 603,56 triệu USD, điều chỉnh 191 dự án (trong đó có 52 dự án điều chỉnh vốn).

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian trên, địa phương này đã chấm dứt hoạt động đối với 20 dự án FDI. Thông báo chấp thuận 166 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn 2018-2022, nhiều dự án quy mô lớn được cấp trên địa bàn tỉnh, như: Nhà máy Sản xuất vải mành tại KCN Tam Thăng của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 410 triệu USD; dự án Nam châm từ tính SGI tại KCN Bắc Chu Lai của nhà đầu tư Star Group Ind.Co., Ltd (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 39,3 triệu USD; dự án Nhà máy Dệt may quần áo không đường may tại KCN Tam Thăng của Công ty TNHH Celebrity Fashion Vina (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD…

Lũy kế đến nay, tỉnh Quảng Nam có 194 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 6,06 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch…

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, đối tác đầu tư vào Quảng Nam đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý Hàn Quốc, đây là đối tác có số lượng dự án FDI nhiều nhất với 57 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 824 triệu USD. Trong khi đó, Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất, với tổng vốn đăng ký 4,09 tỷ USD cho 10 dự án đầu tư.

Thời gian qua, hầu hết các dự án FDI đầu tư vào Quảng Nam đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2018-2020, tổng doanh thu các doanh nghiệp FDI hơn 4.575 triệu USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 8.482 triệu USD. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI đã đóng góp nguồn thu vào ngân sách tỉnh hơn 355 triệu USD, giải quyết khoảng 56.000 lao động trên toàn tỉnh.

Đáng chú ý, trong các dự án đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (nhà đầu tư đến từ Singapore) với quy mô tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, diện tích đất 985,3 ha là một trong những dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đã góp phần giải quyết việc làm cho 56.000 lao động trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, tốc độ tăng lao động của khu vực này bình quân 12%/năm trong giai đoạn từ 2018-2022, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày…

Theo Thành Vân – CafeF

Be Group được công ty ông Phạm Nhật Vượng đầu tư: Ứng dụng gọi xe đầu tiên có lãi ở Việt Nam, xử lý hơn 10 triệu giao dịch mỗi tháng

Moody’s đã cập nhật xếp hạng của Techcombank là Ba3