CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL) vừa bổ nhiệm ông Dennis Ng Teck Yow giữ chức vụ Tổng Giám đốc.
Ông Dennis Ng Teck Yow gây chú ý khi là một trong những cán sự chủ chốt của Gamuda Land với hơn 30 năm gắn bó. Nếu so sánh Gamuda Land và Novaland về phong cách, rõ ràng có sự đối lập. Một bên đi theo con đường “từ tốn”, tỉ mỉ, chăm chút nên sau nhiều năm mới đầu tư đúng 2 dự án tại Việt Nam. Còn một bên có lịch sử phát triển “như vũ bão” và trong thời điểm tái cấu trúc này, tốc độ lại càng là yếu tố quan trọng.
Phong cách bình tĩnh, Tiện ích có trước – Căn hộ theo sau của Gamuda Land
Gamuda Land được biết đến là bộ phận phát triển bất động sản của Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) được thành lập vào năm 1995. Thông qua cách tiếp cận toàn diện về xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị… Gamuda Land đến nay đã phát triển diện tích 2.500ha và tổng giá trị đầu tư 8,2 tỷ USD.
“Ở quê hương là Malaysia hay bất kỳ quốc gia nào khác, tư duy của Gamuda luôn là làm hạ tầng tiện ích trước, rồi mới làm dự án để ở và bàn giao. Chúng tôi dành phần lớn thời gian ban đầu làm hạ tầng, phủ xanh, xây dựng khu vui chơi giải trí và tiếp đến mới xây khu nhà ở thương mại”, đại diện Gamuda chia sẻ với chúng tôi.
Tại Việt Nam, Gamuda Land được biết đến với 2 dự án tỷ USD là Celadon City tại Tp.HCM và Gamuda City tại Hà Nội. Với việc dành phần lớn thời gian đầu xây dựng hạ tầng, tiện ích, trồng cây xanh và sau đó sẽ phát triển dự án nhà ở, theo đó giá bán của những căn hộ sau sẽ tăng so với ban đầu, không chỉ tăng theo giá thị trường mà tính cả những giá trị tiện ích cư dân mới được sử dụng (khách hàng sẵn sàng chi trả).
Trong đó, Gamuda City (Hà Nội) với diện tích 500ha được bao quanh là cây xanh và hồ nước tự nhiên.
Còn với Celadon City, dự án cũng dành ra 16ha để làm khuôn viên cây xanh (số lượng cập nhật mới nhất là hơn 2.000 cây xanh trưởng thành), song song xây dựng các bể nước lớn, mỗi bể có dung tích lên đến 1.000 khối giúp thu thập lượng nước mưa tự nhiên. Đặc biệt, để tối ưu hoá năng lượng và chi phí, Celadon City dành thời gian để thiết kế các khu vực thu gom nước mưa, trong đó lượng nước mưa sau thu gom sẽ được tái sử dụng để tưới tiêu cây cối xung quanh….
Chính vì phong cách đó, dù có mặt ở Việt Nam rất nhiều năm song Gamuda Land vẫn còn nhiều việc để làm chỉ với 2 dự án kể trên. Và nguồn thu mang về cho Tập đoàn vẫn rất hiệu quả.
Theo BCTN năm 2021 của Gamuda, trong tổng doanh thu hơn 1,1 tỷ USD tập đoàn ghi nhận năm 2021 và khoảng 1,5 tỷ USD năm 2020, thị trường Việt Nam đóng góp gần 66 triệu USD năm 2021 và gần 200 triệu USD năm 2020.
Ngoài Malaysia, tài sản dài hạn tại Việt Nam tính đến cuối năm 2021 đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các quốc gia Gamuda hiện diện.
Ông Dennis Ng sẽ thích nghi với một Novaland cần đánh nhanh thắng nhanh ra sao?
Phong cách của Gamuda Land khác với đa số các nhà phát triển bất động sản trong nước hiện nay, trong đó nổi bật là Novaland. Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng nóng, tốc độ làm dự án và ra hàng của các doanh nghiệp ngày càng được rút ngắn.
Riêng về Novaland, xuất phát điểm là công ty về thuốc thú y, sự lấn sân của Tập đoàn này sang mảng bất động sản có thể được ví von là “rất nhanh rất nguy hiểm”. Nếu 2007 là năm đánh dấu bước ngoặt khi thị trường bất động sản sôi động, thì cũng là lúc công ty của doanh nhân Bùi Thành Nhơn tái cấu trúc, phân định thành 2 nhóm phát triển khác nhau: Anova Corporation chuyên về mảng thuốc thú y và Nova Group chuyên về đầu tư kinh doanh bất động sản.
Chỉ vừa ra đời năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 95,3 tỷ đồng, chỉ 2 năm sau đó Novaland nhanh chóng được thị trường biết đến khi dự án lớn Khu dân cư phức hợp Sunrise City quận 7 về tay mình. Lúc này, vốn điều lệ công ty đã là 1.200 tỷ đồng.
Đi cùng nhiều thương vụ M&A đình đám, doanh nhân Bùi Thành Nhơn và các cộng sự đã định vị Novaland lên một tầm mới trong giới bất động sản. Những năm sau đó, Novaland mở bán loạt dự án mới ở phân khúc cao và đặc biệt là vị trí vàng, như The Sun Avenue; Golf Park; Sunrise Cityview; Sunrise Riverside Phước Kiển; Golden Mansion, Lakeview City quận 2; Newton Residance quân Tân Phú; Botanica quận Tân Bình, Saigon Royal Residen e quận 4 – Bến Vân Đồn…
Rầm rộ mở bán, cũng là lúc Novaland quyết định đưa cổ phiếu NVL lên giao dịch trên sàn chứng khoán vào năm 2016, định vị tên tuổi công ty trên sàn chứng khoán. Thời điểm công bố bản cáo bạch, danh sách các dự án đã và đang phát triển của Novaland kéo dài với con số hơn chục dự án.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Novaland từ mức 36.300 tỷ đồng năm 2016 đã nhanh chóng tăng lên hơn 257.300 tỷ đồng.
Đang trên đà phát triển cực mạnh vào năm 2022 với hàng loạt thương vụ M&A trên nhiều lĩnh vực, Tập đoàn này phải đối mặt với loạt thách thức, đặc biệt là cán cân nợ vay và “khủng hoảng dòng tiền”.
Thị giá cổ phiếu từ đỉnh cao hơn 100.000 đồng/cp giảm một mạch về 10.000 đồng/cp. Tập đoàn theo đó phải lên phương án tái cấu trúc toàn diện, thu hẹp quy mô hoạt động, thoả thuận với các trái chủ để giảm áp lực đáo hạn… Tín hiệu mới nhất, Novaland đã thông qua phương án phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu để thu về hơn 29.000 tỷ đồng, qua đó giải quyết được tình trạng thiếu hụt dòng tiền hiện nay.
Mỗi doanh nghiệp có một triết lý kinh doanh, và ai cũng đạt được thành tựu với con đường đi riêng của mình. Câu hỏi đặt ra cho tân CEO lúc này, ngồi “ghế nóng” của một doanh nghiệp bất động sản đang cần đánh nhanh thắng nhanh như Novaland, đặc biệt trong bối cảnh ráo riết tái cấu trúc hiện nay, ông Dennis Ng sẽ thích nghi và ghi điểm như thế nào?
Tri Túc – CafeF