Để cung và cầu tín dụng có thể tìm thấy nhau, những hội nghị ngân hàng – doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2023. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, NHNN đã yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN, trong thời gian qua, liên tiếp diễn ra hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Sơn La, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đã được đưa ra tại các hội nghị này như mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay còn cao; doanh nghiệp khó tiếp cận với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31; mặc dù kinh tế đã phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn…
Trực tiếp lắng nghe những vướng mắc của các doanh nghiệp, đại diện NHTM cũng nắm bắt được rõ hơn tình hình sản xuất kinh doanh cũng như khó khăn mà họ đang gặp phải. Từ đó chia sẻ, giải thích cho các doanh nghiệp rõ hơn về các chính sách của ngân hàng đồng thời đưa ra các giải pháp để tháo gỡ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có thể nhìn thấy rõ hiệu quả từ chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ngoài sự thấu hiểu giữa hai bên, rất nhiều hợp đồng tín dụng đã được ký kết, giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý ổn định và phát triển sản xuất. Đơn cử như tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp 2023, 16 NHTM tại TP. Hồ Chí Minh đã ký cam kết cho 64 doanh nghiệp vay 11.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung, dài hạn 10%/năm.
Qua việc tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng cũng nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các NHTM; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả trên địa bàn địa phương.
Không chỉ trong các chương trình kết nối, bản thân các nhà băng từ đầu năm đến nay cũng liên tục tung ra nhiều gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp. Đơn cử, VietinBank công bố dành 10.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới phát triển kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023. BIDV triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng, hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng…
Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Hay MBBank đã tuyên bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng, từ ngày 10/2; OCB có gói tín dụng 25.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 8-12%/năm, áp dụng với khách hàng doanh nghiệp…
Các ngân hàng đang giảm lãi suất và tìm khách hàng tốt để cho vay
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, cho rằng nguồn vốn “rẻ” không khan hiếm và ngân hàng vẫn đang “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt để cho vay. Bởi quan hệ giữa doanh nghiệp – ngân hàng là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp có vay thì ngân hàng mới tăng trưởng tín dụng, có lợi nhuận. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới khoẻ, bởi sức khoẻ của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng khoản vay. Chính vì thế, cần nhìn nhận rằng bản thân ngân hàng cũng không muốn đẩy lãi suất cho vay quá cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, khiến rủi ro nợ xấu tăng. Thực tế, các ngân hàng đang nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Trong bối cảnh dự báo nhiều khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023, để dòng tín dụng được thông suốt, các chuyên gia cho rằng, việc cùng nhau ngồi lại để thảo luận, tìm hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể sẽ là giải pháp quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa ngành Ngân hàng với các doanh nghiệp.
Cùng với đó, để sợi dây liên kết ngày càng chặt chẽ hơn, các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cần thực chất, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tiếp cận. Lấy ví dụ từ gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31, ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân khiến việc giải ngân gói hỗ trợ này không được như kỳ vọng có thể nhìn thấy rõ là do điều kiện tiếp cận. Doanh nghiệp rất mong chờ được vay vốn ưu đãi nhưng thực tế quy định đặt ra của gói hỗ trợ làm khó cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian tới, các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cần rõ ràng, đi vào thực tế, phù hợp với khả năng tiếp cận của đại đa số đối tượng thụ hưởng, để cả phía cung và phía cầu có thể tìm được tiếng nói chung. Từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất trong nền kinh tế.
Theo Quỳnh Trang – CafeF