in

TP HCM có thể phát hành trái phiếu đô thị để hút kiều hối đầu tư vào các công trình lớn

Đây là nội dung trong quá trình xây dựng “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”, do UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện, nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối chuyển về; đồng thời tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài để đóng góp vào sự phát triển của thành phố, của đất nước.

Đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kiều hối; về thực hiện các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường từ nguồn kiều hối và sự tham gia đóng góp của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài… Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về thành phố ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025-2030.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước (công tác quản lý; phát triển mạng lưới chi trả kiều hối; dịch vụ kiều hối; hoàn thiện chính sách: phản biện, góp ý kiến, đề xuất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước…) nhằm thu hút kiều hối chuyển về.

Song song đó, thành phố cần tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư. Đây là giải pháp quan trọng, gắn với nhiệm vụ củng cố vững chắc, ổn định kinh tế vĩ mô, là yếu tố nền tảng không chỉ thu hút nguồn kiều hối mà còn các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước ngoài để phát triển kinh tế thành phố, kinh tế đất nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối thông qua việc tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục chi trả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, làm tốt hoạt động thông tin, tư vấn, chăm sóc khách hàng…

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cho rằng cần làm tốt công tác truyền thông chính sách; trong đó, ngoài việc truyền thông chính sách cho khách hàng, người dân, người thụ hưởng… để nắm rõ chính sách và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và chi trả kiều hối nói riêng thuận lợi; tư vấn hướng dẫn việc đổi ngoại tệ và sử dụng nguồn kiều hối hiệu quả; còn cần quan tâm các biện pháp truyền thông chính sách cho kiều bào, cho người Việt Nam đang lao động, học tập tại nước ngoài nắm rõ chủ trương chính sách, đường lối của Đảng, nhà nước về kiều bào, về sự phát triển đất nước, về chính sách và dịch vụ kiều hối của ngành ngân hàng, các thủ tục, quy trình, phí…

Dưới góc độ chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu so sánh kiều hối với FDI và ODA, thì kiều hối là nguồn lực rất quan trọng cho đất nước, không cần điều kiện ràng buộc, chưa kể kiều hối còn giúp cân bằng cán cân ngoại thương cho Việt Nam không bị thâm hụt.

Để thu hút nguồn kiều hối, vị chuyên gia cho rằng yếu tố kinh tế vĩ mô phải được cải thiện để tăng lòng tin của kiều bào với sự phát triển của đất nước cũng như sự tin tưởng vào những cơ hội đầu tư tại Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa là phải tiếp tục duy trì chính sách không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào; tiếp tục chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức chức tín dụng.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác truyền thông trên website của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với những thông tin về cơ hội đầu tư và thương mại tại thành phố. Đồng thời, chế độ cấp giấy miễn thị thực và giấy tạm trú cần thông thoáng hơn để mời gọi kiều bào về nước khảo sát cơ hội đầu tư và đầu tư…

Theo ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, trở thành “lực đẩy” quan trọng đóng góp kinh tế Việt Nam nói chung và Tp.Hồ Chí Minh nói riêng thì Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào; tạo ra những đột phá về chính sách đối với kiều bào và kiều hối.

Theo đó, Luật Đất đai sửa đổi nên cởi mở để nhiều Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam hay tăng cường thu hút nguồn lực kiều bào tham gia vào các chương trình, công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và thành phố thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền thành phố (địa phương) với nhiều ưu đãi. Ông Peter Hồng cho rằng, đây sẽ là kênh mới tạo điều kiện để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương.

Trong một loạt giải pháp thu hút kiều hối, Giáo sư Võ Hồng Đức, Trường Kinh doanh Đại học Western Australia cũng đề xuất, Tp. Hồ Chí Minh có thể phát hành trái phiếu đô thị (còn gọi là trái phiếu kiều bào) để cung cấp nguồn vốn cho việc xây dựng các công trình lớn. Với cơ chế minh bạch, xuất phát điểm là khuyến khích kiều bào mua trái phiếu để đầu tư dự án.

Việt kiều sẽ được hưởng lãi suất ổn định, được miễn thuế trên tiền lãi và được bảo đảm mang lại số tiền đầu tư về lại nước ngoài sau thời gian đầu tư. Với sáng kiến này, Tp. Hồ Chí Minh trước tiên sẽ phát hành trái phiếu để kêu gọi nguồn vốn từ kiều bào, phần chi phí còn lại thành phố mới giao cho các nhà thầu tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Võ Hồng Đức, các dự án phục vụ cộng đồng, hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội nên kêu gọi kiều bào đầu tư với suất sinh lời thấp. Các kiều bào sẵn sàng đầu tư trong khả năng của mình để xây dựng một Tp. Hồ Chí Minh và một Việt Nam giàu mạnh.

Tại hội thảo, các ý kiến cũng đặt vấn đề các tổ chức tài chính trong nước cần tăng cường các hoạt động thỏa thuận ký kết về dịch vụ tài chính, đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn như châu Âu, châu Úc… để kéo nguồn kiều hối tiếp tục về đầu tư trong nước. Hay cần có chính sách hỗ trợ, đào tài kiến thức cơ bản về tài chính cũng như tạo nguồn lực để người lao động xuất khẩu được vai tiền trước khi đi. Mặt khác, một số ý kiến cũng đề xuất các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối của các nước có nguồn kiều hối lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp…

Hiện Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Tp. Hồ Chí Minh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý để xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố”.   

Theo H.Chung – VietnamBiz

Giá heo hơi hôm nay 30/5: Biến động trái chiều

Kỷ nguyên EV tới gần, ‘ông vua’ sản xuất ô tô Đông Nam Á gọi tên quốc gia nào?