Theo các công ty lữ hành, du lịch nước ngoài gần như đã phục hồi. Tại Công ty Du lịch TST, so với thời điểm trước dịch, du lịch outbound thông qua các công ty đã phục hồi 90%. Trong giai đoạn cuối năm, doanh nghiệp phải tăng cường tập trung kết nối với các đối tác, đại lý… từ các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu ngày tăng của du khách Việt.
Công ty lữ hành Vietravel cho biết, hoạt động đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài đã bật tăng trở lại, chiếm đến 60% tổng doanh thu trong 10 tháng. Trong đó, chính sách mở cửa sớm, kích cầu du lịch và visa thông thoáng… từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thu hút một lượng lớn du khách Việt. Sau thời gian “thăm dò” các điểm đi gần, du khách Việt dần mở rộng các khu vực xa hơn như: châu Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á…
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc công ty du lịch Vietravel cho hay: “Gần đây nhất thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản mở cửa. Những thị trường này đang có mùa thu rất đẹp ở các khu vực Đông Bắc Á. Vì vậy khách Việt Nam chúng ta đi du lịch nước ngoài trong giai đoạn này tốt hơn và dần dần chiếm ưu thế so với thời điểm 2019”.
Thị trường du lịch outbound tại Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhanh hơn dự kiến. Đây cũng là kết luận chính của báo cáo tóm tắt về “Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam 2022” được Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du lịch và khách sạn Outbox (Outbox Company) công bố ngày 21/11. Outbox Company cho biết, dù bị gián đoạn bởi đại dịch, nhu cầu kết nối lại của du khách Việt với thị trường du lịch nước ngoài không vì thế giảm đi mà hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn hậu Covid-19.
Theo khảo sát, có 69,25% khách Việt được khảo sát coi việc du lịch nước ngoài là sở thích và hoạt động thường xuyên. 57% khách Việt cho biết họ phải đi du lịch sau thời gian bị kìm hãm vì giãn cách quá lâu. Bên cạnh đó, các dữ liệu đo lường mức độ hào hứng trở lại du lịch của người Việt thông qua mô hình Vietnam Travel Tracker do Outbox thực hiện đã chỉ ra rằng mức độ lo lắng về sự an toàn của điểm đến đã giảm dần theo thời gian. Cụ thể, tháng 10/2021, chỉ số này là 8,21 điểm (trên thang điểm 10) và chỉ sau 1 tháng, mức độ quan tâm tới sự an toàn đã giảm xuống còn 7,85 điểm và đạt 6,15 điểm vào tháng 5/2022.
Có 3 yếu tố chính tác động tới quyết định lựa chọn điểm đến ở nước ngoài của du khách Việt, đó là: Chi phí cho chuyến đi (49,6%), thông tin sẵn có về sự an toàn của điểm đến (44,6%) và sự phù hợp của điểm đến với sở thích cá nhân (41,8%). Đặc biệt, có tới 65% khách outbound Việt Nam chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi nước ngoài vào năm 2022 so với một chuyến đi tương tự trước đại dịch.
Tuy vậy, thực tế cho thấy tại Việt Nam, du lịch outbound vẫn chưa được quan tâm và đánh giá đúng với vai trò, vị trí trong quá trình phát triển của ngành du lịch. Trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển du lịch, hiện chúng ta mới chỉ đề cập số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và lượng khách nội địa. Tổng thu từ du lịch cũng được thống kê từ du lịch inbound và du lịch nội địa, còn những đóng góp từ hoạt động đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài chưa được đề cập đến.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, để phát triển du lịch, chúng ta cần phải đề cập đến cả du lịch inbound và outbound, hay nói cách khác là du lịch bị động (đón khách đến) và du lịch chủ động (đưa khách đi). Theo đó, để hoạt động du lịch outbound đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng trục lợi du lịch để đưa người lao động ra nước ngoài trái phép; tăng cường tuyên truyền để du khách ứng xử văn minh, thanh lịch ở nơi công cộng, góp phần nâng cao hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, nhiều nước đặt du lịch outbound như một chiến lược phát triển du lịch. Ví dụ như Nhật Bản, Đức, khách du lịch ra nước ngoài nhiều hơn khách đến. Những lợi ích du lịch ra nước ngoài không phải chúng ta bỏ chi tiêu ra mà sau khi đi du lịch về chúng ta thu được những gì. Đó là những hiểu biết, trải nghiệm, kinh nghiệm nâng cao đời sống tinh thần, kinh nghiệm sống, khởi nghiệp học hỏi thu lại lợi ích lớn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong khi đi du lịch.
“Hiện nay, chưa có chương trình quản lý, chưa có bộ phận chuyên trách nào chăm lo du lịch outbound. Chúng ta cần phải làm nhưng chưa làm được. Lợi ích của du lịch outbound chưa được phân tích. Muốn trở thành cường quốc du lịch phải quan tâm và chăm lo được cho du lịch outbound”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.