in

NHNN chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Bản Việt đổi tên viết tắt thành BVBank

Ảnh minh họa: Ngân hàng Bản Việt.

Ngày 26/5, Ngân hàng Nhà Nước đã có quyết định về việc sửa đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh quy định tại giấy phép hoạt động số 0025/NH-GP ngày 22/8/1992 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Bản Việt thành BVBank.

Đây là ngân hàng thứ hai được đổi tên viết tắt trong năm nay sau Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. 

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% so với năm trước đạt 502 tỷ đồng. Tổng tài sản của Bản Việt dự kiến tăng 10% đạt 86.600 tỷ đồng, trong đó dư nợ cấp tín dụng ước đạt 12% đạt 56.963 tỷ đồng(phụ thuộc vào phê duyệt của NHNN). Tổng huy động dự kiến tăng trưởng 16% đạt 69.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.670 tỷ đồng lên 5.803 tỷ đồng được thực hiện từ hai phần.

Thứ nhất, thực hiện phương án tăng vốn điều lệ đã được thông qua năm 2022 là phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15% (khoảng 55 triệu cổ phiếu) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1 (gần 91,8 triệu cổ phiếu), phương án phát hành theo chương trình ESOP được loại bỏ. Tổng số vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng thêm là 5.139 tỷ đồng.

Thứ hai, tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 663 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ (51,4 triệu cổ phần) và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động ESOP (15 triệu cổ phần).

Tổng vốn điều lệ tối đa dự kiến sau khi tăng vốn là 5.968 tỷ đồng. Số tiền thu được từ tăng vốn sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho vay và kinh doanh vốn, đầu tư và hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.

Ngân hàng cũng dự kiến sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCoM lên HOSE nhằm nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông và tranh thủ cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho ngân hàng.

Theo Huyền Phương – VietnamBiz

Vì sao nhiều ‘đại bàng’ vào Đắk Lắk nhưng chưa ‘lót ổ’ đầu tư?

Fecon trúng thầu với giá trị 300 tỷ trong tháng 5