in

Mỹ từng vỡ nợ ít nhất 5 lần, hậu quả không thảm khốc như các quan chức đang dọa

Vỡ nợ là gì?

Theo thông lệ trên thị trường tài chính quốc tế, vỡ nợ là sự kiện người đi vay không thể trả đầy đủ và đúng loại tiền giá trị khoản nợ đến hạn.

Giả sử có 100 triệu USD nợ đến hạn nhưng người đi vay chỉ trả được 99,9 triệu USD thì sẽ bị tuyên bố là vỡ nợ. Nếu hôm nay cần phải trả 100 triệu USD nhưng đến 00h01 sáng ngày mai người đi vay mới thanh toán thì cũng bị coi là vỡ nợ.

Nếu nợ bằng USD nhưng lại trả bằng yen Nhật, Việt Nam đồng, ruble Nga, … thì cũng bị coi là vỡ nợ.

Kịch bản cuối cùng này không phải chỉ là giả định mà thực tế đã xảy ra với nước Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin châm ngòi xung đột tại Ukraine hôm 24/2/2022.

Các lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ và đồng minh châu Âu đối với hệ thống tài chính Nga đã khiến cho tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài bị phong tỏa, dẫn tới việc Moscow không thể dùng dự trữ ngoại hối để trả nợ quốc tế.

Ngày 4/4/2022, Nga dùng đồng nội tệ ruble để trả hai khoản vay trái phiếu bằng USD đến hạn. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới là Standard & Poor’s đã tuyên bố Nga vỡ nợ. Trong lịch sử, Nga từng vỡ nợ hai lần khác vào các năm 1917 và 1998.

Vậy nước Mỹ thì sao, đã bao nhiêu lần vỡ nợ? Và hậu quả đáng sợ đến đâu?

Những cảnh báo tai ương

Ngày 19/1 mới đây, chính phủ Mỹ chạm trần nợ công và không thể đi vay thêm. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thông báo đã bắt đầu áp dụng các biện pháp đặc biệt mang tính chất “giật gấu vá vai” nhằm cố gắng duy trì ngân sách cho hoạt động của chính phủ đến ngày 5/6.

Trong khoảng 4 tháng tới, Nhà Trắng cùng với các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ phải thương thảo với nhau về kế hoạch thu chi ngân sách cũng như nâng trần nợ công. Nếu trần nợ không được nâng lên, chính phủ sẽ không có đủ tiền để thanh toán nghĩa vụ đến hạn và rơi vào vỡ nợ.

Trong lá thư gửi tới Quốc hội ngày 13/1 năm nay, Bộ trưởng Yellen nói: “Việc chính phủ không hoàn thành các nghĩa vụ sẽ gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Mỹ, sinh kế của tất cả người dân Mỹ cũng như sự ổn định tài chính toàn cầu”.

Vào tháng 9/2021 khi nước Mỹ cũng chạm trần nợ công, bà Yellen đưa ra cảnh báo tương tự: “Nếu trần nợ công không được nâng lên, tôi nghĩ sẽ xảy ra một thảm họa và khủng hoảng tài chính”.

Năm 2011, ông Joe Biden, khi đó đang là Phó Tổng thống dưới thời Barrack Obama, đã tuyên bố trong chuyến thăm Trung Quốc: “Nước Mỹ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ vỡ nợ”.

(Ảnh: Getty Images; Đồ họa: Song Ngọc)

Hơn một thập kỷ sau, vào tháng 1/2023, Joe Biden trong vai trò Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Nếu chúng ta không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ quốc gia và nuốt lời lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta sẽ phải hứng chịu tai ương về tài chính vượt xa tất cả những gì từng xảy ra trên nước Mỹ”.

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng nói: “Nước Mỹ không được phép vỡ nợ”.

Ngày 6/2 vừa qua trên đài ABC, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen một lần nữa khẳng định: “Mỹ luôn luôn trả tất cả nợ đúng hạn kể từ năm 1789, nếu không làm vậy sẽ gây ra một thảm kịch về tài chính và kinh tế. Tất cả những thành viên có trách nhiệm của quốc hội phải đồng ý nâng trần nợ”.

Những lời tuyên bố này đều có hai nội dung chính. Thứ nhất, nước Mỹ từ trước đến nay luôn trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Thứ hai, vì Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ trong quá khứ nên nếu lần này vỡ nợ thì hậu quả sẽ rất khôn lường, thảm khốc tới mức không ai tưởng tượng nổi.

(Ảnh: Getty Images; Đồ họa: Song Ngọc)  

5 lần Chính phủ Mỹ vỡ nợ

Năm 1862: Hứa trả vàng, thực tế trả giấy

Trước đó vào năm 1861, Chính phủ Mỹ phát hành những đồng tiền giấy đầu tiên có tên gọi là demand note (giấy đòi tiền theo yêu cầu). Người sở hữu demand notes có thể đến văn phòng của Bộ Tài chính Mỹ để yêu cầu đổi ra vàng.

Tuy nhiên, khi nhiều người mang tiền đến đổi vào những ngày đầu năm 1862, Chính phủ Mỹ không có đủ vàng trong tay vì đang lún sâu trong nội chiến. Quốc hội Mỹ đã cho phép chính phủ in thêm hàng triệu USD tiền giấy để đổi lấy những tờ demand note đang trong lưu thông.

Việc chính phủ hứa hẹn trả bằng vàng nhưng sau đó lại trả bằng tiền giấy đồng nghĩa với vỡ nợ.

Năm 1934: Hứa trả vàng, thực tế trả giấy đã bị phá giá

Trong Thế chiến I (1914 – 1918), Mỹ phát hành Trái phiếu Tự do (Liberty Bond) để tài trợ cho chiến tranh. Trái phiếu có kỳ hạn 25 – 30 năm và khi đáo hạn, chính phủ phải thanh toán cho trái chủ bằng vàng theo tỷ lệ 20,67 USD/ounce.

Đến năm 1933 khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đắc cử lần đầu, Bộ Tài chính Mỹ chỉ có số lượng vàng trị giá 4,2 tỷ USD, không thể đủ để thanh toán số tiền gốc trái phiếu sẽ đến hạn vào năm 1938. Ngay cả việc thanh toán tiền lãi trái phiếu cũng gây áp lực quá lớn lên chính quyền liên bang.

Sang năm 1934, Tổng thống Roosevelt quyết định chỉ trả cho các trái chủ nước ngoài và “quỵt tiền” đối với các trái chủ người Mỹ bằng cách không trả nợ bằng vàng mà bằng USD.

Chưa hết, theo Luật Dự trữ Vàng năm 1934, Quốc hội đã phá giá USD từ mức 20,67 USD đổi một ounce vàng xuống còn 35 USD/ounce vàng, tương đương mức giảm giá trị 40%.

Chủ nợ người Mỹ phải chịu thiệt đơn thiệt kép: Vừa phải nhận tiền giấy USD thay cho vàng, mà số USD nhận được cũng ít hơn trước do đồng tiền đã bị phá giá.

Rõ ràng, đây cũng là một sự kiện vỡ nợ của chính phủ Mỹ, tương tự như việc Nga dùng ruble để trả nợ USD trong năm 2022.

Trong thế kỷ 20, trần nợ công của Mỹ đã được nâng tổng cộng 90 lần.

Năm 1968: Hứa trả bạc, thực tế trả giấy

Chính phủ Mỹ từng phát hành các tờ giấy chứng nhận cho phép người nắm giữ được đổi sang đồng xu bằng bạc hoặc thỏi bạc.

Trên các tờ giấy chứng nhận này ghi rõ: “Tờ giấy này chứng nhận rằng có một USD bằng bạc được gửi tại Bộ Tài chính Mỹ, được trả cho người cầm giấy chứng nhận này bất cứ khi nào có yêu cầu”. Đây là một lời cam kết hết sức rõ ràng, hoàn toàn không có gì mập mờ.

Thế nhưng khi có quá nhiều người cầm giấy chứng nhận đến Bộ Tài chính để đổi lấy bạc kim loại vào năm 1968, Chính phủ Mỹ tuyên bố chỉ cho đổi ra tiền giấy thông thường.

Năm 1971: Sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ Bretton Woods

Hệ thống tiền tệ Bretton Woods bắt đầu từ năm 1944 dựa trên lời hứa của Chính phủ Mỹ sẽ giữ giá trị của một USD tương đương với 1/35 ounce vàng. Ngân hàng trung ương các nước khác có thể mang USD đến Mỹ để đổi lấy vàng theo mức giá 35 USD/ounce.

Trong thực tế, chính phủ Mỹ đã in ra quá nhiều USD để chi tiêu, một phần cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Các quốc gia khác thấy USD tràn lan khắp thế giới và phán đoán rằng Mỹ không thể có đủ vàng để đáp ứng nghĩa vụ như trong cam kết Bretton Woods.

Pháp và một số nước đã điều động tàu chiến chở đầy USD tới Mỹ để đổi lấy vàng. Khi số vàng trong kho không còn đủ, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thông báo vào ngày 15/8/1971: “Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Connally tạm thời dừng việc đổi USD ra vàng”.

Bộ trưởng Tài chính John Connally đã nói với lãnh đạo các nước G10 vào cuối năm 1971 rằng: “Đô la là đồng tiền của chúng tôi, nhưng là vấn vấn đề của các bạn”.

Ngày nay ai cũng biết rằng việc dừng “tạm thời” đã trở thành “vĩnh viễn”, chính phủ Mỹ không có nghĩa vụ đổi USD ra vàng nữa, dù là với bất cứ giá nào. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể in hàng nghìn tỷ USD tùy thích, không cần bận tâm đến lượng vàng trong kho.

Năm tài chính của chính phủ Mỹ kết thúc vào ngày 30/9 hàng năm, tức là cuối quý III dương lịch.

Năm 1979: Hôm nay đến hạn, ba tuần sau trả

Đầu năm 1979, chính quyền Tổng thống Jimmy Carter và Quốc hội Mỹ đang tranh cãi về việc nên hay không nên nâng trần nợ lên 830 tỷ USD, tương tự như cuộc tranh luận nâng trần nợ lên trên ngưỡng 31.400 USD đang diễn ra ở Washington đầu năm 2023.

Cùng trong năm 1979, Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải xin hoãn trả tổng số nợ trị giá 122 triệu USD đến hạn vào ngày 26/4, 3/5 và 10/5 với lý do là hệ thống máy móc gặp trục trặc.

Sau khoảng ba tuần, vấn đề được khắc phục và lô tín phiếu đến hạn vào ngày 17/5/1979 được thanh toán bình thường.

Các chủ nợ bị ảnh hưởng đã nhanh chóng kiện Chính phủ Mỹ ra tòa vì không đáp ứng nghĩa vụ tài chính đúng hạn. Bộ Tài chính lập luận rằng mình chỉ chậm trả nợ chứ không vỡ nợ, nhưng sự thực đã quá rõ ràng: Trả nợ chậm một ngày cũng là vỡ nợ.

(Ảnh: Getty Images; Đồ họa: Song Ngọc)  

Chắc chắn rằng khẳng định “Mỹ luôn luôn trả tất cả nợ đúng hạn kể từ năm 1789” của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen là sai hoàn toàn.

Những lời dự báo về thảm họa tài chính và tai ương kinh tế của Tổng thống Biden, Bộ trưởng Yellen và các quan chức khác dường như chỉ mang tính chất dọa dẫm nhằm gây áp lực lên Đảng Cộng hòa và hối thúc Quốc hội nâng trần nợ công.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nuối lời, không trả nợ theo đúng nghĩa vụ đã cam kết, nhưng rốt cuộc nước Mỹ vẫn vượt qua Đại Khủng hoảng 1929 – 1933, thắng lợi trong Thế chiến II, nổi lên là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. USD vẫn là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất toàn cầu, trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn được xếp hạng cao nhất AAA và không thiếu người mua.

Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa, ví dụ như Hạ nghị sỹ Andy Biggs đến từ bang Arizona, đã tuyên bố phản đối nâng trần nợ trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi chính phủ vỡ nợ.

Theo Đức Quyền – Song Ngọc – VietnamBiz

Hàng tỷ USD sắp đầu tư vào Vùng Đồng bằng sông Hồng

Vận tải hành khách quốc tế qua sân bay Nội Bài trên đà phục hồi