in

Một ‘siêu ngân hàng’ Thụy Sĩ đã được thành lập, ý kiến ra sao?

Cuộc sáp nhập lịch sử giữa hai ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ: Credit Suisse và UBS đã tạo ra một ngân hàng “khủng” nhất mà quốc gia này từng có. Vì vậy, nhiều người tự hỏi liệu “siêu ngân hàng” này có đem lại lợi ích tương ứng với quy mô của nó hay không?

Thỏa thuận giữa UBS và Credit Suisse (CS) được thông qua vào ngày 19/3 (theo giờ địa phương). Theo một số nhà phân tích, việc sáp nhập này đã ngăn chặn việc CS sụp đổ cũng như ổn định tình hình tài chính quốc gia. Đồng thời, từ đây, CS chính thức trở thành 1 phần của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ.

Ngay cả trước khi xảy ra sự kiện này, cả UBS và CS đều nằm trong top 30 đơn vị trên toàn thế giới có tầm ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng toàn cầu. Do đó CS được cho là “quá lớn để có thể sụp đổ”.

Philippe Cordonier của Hiệp hội ngành công nghiệp Swissmem, cho biết: “Credit Suisse thực sự là ngân hàng đại diện của nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc gia”.

Đối với các công ty xuất khẩu, Credit Suisse cung cấp một loạt dịch vụ cần thiết cho các giao dịch quốc tế như thanh toán ở nước ngoài, tín dụng, cho thuê hoặc phòng ngừa rủi ro tiền tệ, ông nói thêm.

Siêu ngân hàng Thụy Sĩ: Ưu điểm và nhược điểm?

Đối với việc tiếp quản, nhiều câu hỏi vẫn cần được giải đáp. Bởi thông thường, các thương vụ như vậy sẽ diễn ra trong vài tháng, nhưng lần này, nó chỉ diễn ra trong vài ngày.

Giám đốc điều hành của UBS, Ralph Hamers thừa nhận tại một buổi gặp mặt các nhà phân tích rằng ông vẫn chưa có đầy đủ thông tin chi tiết về việc tiếp quản.

Một số giới chức của Thụy Sĩ thì cho biết ngoài việc sáp nhập, cũng có thể đã có giải pháp thay thế khác để “cứu vãn” tình hình của Credit Suisse. Ví dụ như để một ngân hàng nước ngoài tiếp quản dù có thể họ không có đủ “kiến thức chuyên sâu” về thị trường Thụy Sĩ.

Một đại diện của Liên đoàn doanh nghiệp quốc gia thì nhớ lại rằng hai mươi lăm năm trước, đất nước có bốn ngân hàng lớn. Sau đó, toàn ngành đã chứng kiến sự sáp nhập “khủng” vào năm 1998 khi Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sĩ sáp nhập với Ngân hàng Liên minh Thụy Sĩ và tạo ra UBS như hiện tại.

Phía Liên đoàn đã cho biết trong một tuyên bố: “Việc sáp nhập các ngân hàng lớn vào với nhau có thể làm giảm tính cạnh tranh nhưng có thể lại gây ra một vài khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ muốn có được một số điều kiện tài chính tốt”.

Ngoài ra, đối với thương vụ, một vài chính trị gia đã đề nghị thắt chặt hơn các quy định trong ngành hiện tại trước sự thành lập của 1 “siêu ngân hàng” bởi có thể đây sẽ là đơn vị “quyền lực” mới trong hệ thống ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ. Diễn biến tiếp theo của ngành vẫn còn bỏ ngỏ.

Các ý kiến về thương vụ

Đối với sự kiện UBS và CS, Tobias Straumann, Giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Zurich nói rằng ít nhất có thể xem xét tới giải pháp quốc hữu hóa một phần.

Ngoài ra, Carlo Lombardini, luật sư và giáo sư luật ngân hàng tại Đại học Lausanne cho biết việc UBS tiếp quản Credit Suisse là giải pháp nhanh chóng và khả thi duy nhất. Tuy nhiên, về cá nhân, ông muốn có một kết quả khác, chẳng hạn như việc tiếp quản bởi “một ngân hàng nước ngoài”. Nhưng một tập đoàn nước ngoài lớn chắc chắn không thể thực hiện các thương vụ mua lại trong một ngày cuối tuần, ông thừa nhận.

Đồng thời ông cũng đề cập tới một giải pháp khác là quốc hữu hóa Credit Suisse. Tuy nhiên ông cũng nói rằng hiện tại đã là quá muộn.

Tham khảo CNA

Nhất Lưu – CafeF

Khởi tố Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Lạng Sơn

Tự doanh xả ròng mạnh gần 290 tỷ đồng, chủ yếu bán nhóm bất động sản