in

Bài sát hạch của Fed để lọt lưới nhiều rủi ro của hệ thống ngân hàng Mỹ

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Để lọt lưới

Chỉ sau một đêm, mối đe doạ hàng đầu đối với nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện và gói gọn chỉ trong vài từ ngắn gọn: “rủi ro khủng hoảng ngân hàng lan rộng”.

Công chúng xôn xao về việc lãi suất tăng chóng mặt đã phá huỷ ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) như thế nào.

Ngay cả khi chiến dịch trấn an của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) có hiệu quả, cuộc khủng hoảng nhiều khả năng sẽ  buộc các cơ quan quản lý siết chặt quy định với các nhà băng hạng trung.

Nói một cách đơn giản, dù cuộc cải cách Dodd-Frank cách đây hơn một thập kỷ đã buộc các nhà băng phải có bộ đệm vốn lớn hơn để phòng hờ khủng hoảng, người ta vẫn lo sợ rằng sau SVB, nhiều ngân hàng khu vực khác sẽ sụp đổ.

Khi đó, khả năng cung cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế sẽ giảm đáng kể và nguy cơ xảy ra suy thoái sâu sẽ trở nên lớn hơn.

Hiện tại, “virus” SVB đã lây lan. Một nhóm các nhà băng lớn của Mỹ dưới sự dẫn dắt của JPMorgan Chase đã phải tung ra 30 tỷ USD để hỗ trợ cho một ngân hàng khu vực đang gặp khó khăn là First Republic.

Điều gây sốc trong cuộc khủng hoảng lần này là các “bài kiểm tra khả năng chịu đựng rủi ro” hay “stress test” mà Fed triển khai đã bỏ lọt các mối nguy mà chiến dịch tăng lãi suất gây ra cho hệ thống ngân hàng.

Stress test xuất hiện từ sau khi Đạo luật Dodd-Frank có hiệu lực, được thiết kế để dự trù tất cả các kịch bản “bất lợi nghiêm trọng” cho ngành ngân hàng Mỹ.

 

 

Trao đổi với Fortune, ông Thomas Hogan, cựu kinh tế trưởng tại Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, đánh giá: “Trong các bài stress test, Fed nghĩ vấn đề sẽ là GDP sụt giảm, người dân vỡ nợ các khoản vay bất động sản thương mại, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến”.

“Trên thực tế, chúng ta thấy điều ngược lại: nền kinh tế mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp và rất ít vụ vỡ nợ. Những thứ Fed nghĩ là vấn đề bây giờ lại rất ổn. Trong khi đó, điều họ xem là không quan trọng – nguy cơ từ việc lãi suất tăng mạnh – lại đang khiến hệ thống tài chính lung lay”, ông Hogan nói.

Tại sao các bài stress test của Fed không thể dự đoán được những gì các ngân hàng đang phải đối mặt? Fortune lý giải như sau:

Thay đổi dưới thời ông Trump

Sau Đại khủng hoảng năm 2008, Fed bắt đầu triển khai các bài stress test, nhưng chỉ đối với các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Sau đó, đạo luật Dodd-Frank ra đời, bắt buộc Fed phải kiểm tra tất cả các ngân hàng nắm giữ tài sản từ 50 tỷ USD trở lên, bắt đầu từ năm 2013.

Đạo luật trên yêu cầu Fed và các cơ quan quản lý hàng năm phải đánh giá tác động đến vốn và khả năng sinh lời của các ngân hàng theo các kịch bản kinh tế suy thoái nghiêm trọng hoặc cú sốc bất ngờ xảy ra, bao gồm cả việc lãi suất tăng.

Trong vài năm tiếp theo, các ngân hàng nằm trong diện kiểm tra phải trải qua bài đánh giá cực kỳ khắt khe gọi là Phân tích và Đánh giá Vốn Toàn diện.

Kể từ năm 2009, Fed đã kêu gọi các ngân hàng nâng gấp đôi vốn chủ sở hữu nhằm củng cố sức mạnh của các tổ chức cho vay trong thời kỳ khó khăn.

Song, một số ngân hàng khu vực muốn được đối xử nhẹ nhàng hơn. Nhóm này nói các bài kiểm tra đang gây áp lực lớn cho họ, trong khi quy mô của họ là khá nhỏ so với các nhà băng lớn nhất đất nước.

 Năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã thông qua một đạo luật mới. Theo đó, các ngân hàng có từ 100 tỷ USD tài sản mới phải làm stress test.

Đồng thời, đạo luật này cũng thiết lập các tiêu chuẩn khác nhau cho hai nhóm nhà băng, qua đó giúp một số ngân hàng khu vực thoát khỏi các bài kiểm tra khó nhằn nhất theo Đạo luật Dodd-Frank.

Cụ thể, các nhà băng có tài sản trong khoảng 100 – 250 tỷ USD, tức các ngân hàng hạng trung, chỉ phải làm stress test hai năm một lần, vào các năm chẵn. Trong khi đó, các ngân hàng lớn với trên 250 tỷ USD tài sản như JPMorgan Chase, Citigroup,… phải làm kiểm tra mỗi năm.

 

Fed bỏ quên tác động của lãi suất

Tháng 2/2022, Fed đã tiết lộ danh sách đầy đủ các ngân hàng làm stress test trong năm và các kịch bản kinh tế tồi tệ mà giới hoạch định chính sách cho là có thể xảy ra.

Các nhà băng sẽ “đậu” nếu họ có đủ vốn để vượt qua những “con gió ngược” khủng khiếp nhất có khả năng xảy ra cùng một lúc. Danh sách năm 2022 (năm chẵn) bao gồm 34 ngân hàng, kể cả các nhà băng hạn trung.

Fed đưa ra hai kịch bản.

Kịch bản “cơ sở” thể hiện triển vọng kinh tế mà Fed nhận thấy có khả năng xảy ra nhất, trong khi kịch bản “bất lợi nghiêm trọng” cho thấy tương lai tồi tệ nhất.

Cả hai kịch bản đều trải dài từ quý I/2022 đến quý I/2025. Song, Fed cũng đưa ra dự báo về GDP, lạm phát, lãi suất và các chỉ số khác cho cả 13 quý.

Kịch bản cơ sở khá đúng khi dự đoán nền kinh tế sẽ khá ổn định, ít nhiều đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Song, Fed đã nhận định sai lầm về lạm phát và lãi suất.

Fed tin tại thời điểm quý I/2023, lạm phát sẽ hạ xuống còn 2,3% và lợi suất trái phiếu Kho bạc (TPKB) kỳ hạn ba tháng ở mức 0,9%.

Trên thực tế, lạm phát đạt 6% vào tháng 2/2023, sau khi chạm mức 6,5% một tháng trước đó. Lợi suất TPKB kỳ hạn ba năm đạt 4,4%, cao gấp 4 lần dự đoán của Fed.

 

Trong kịch bản thứ hai, Fed thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái nghiêm trọng. Một lần nữa, ngân hàng trung ương Mỹ không coi lạm phát và lãi suất là mối nguy.

Theo các nhà hoạch định chính sách, GDP sụt giảm và niềm tin doanh nghiệp lao dốc sẽ khiến lạm phát tụt xuống mức 1,4% vào quý I/2023. Lợi suất TPKB kỳ hạn ba tháng ở mức 0,1%, bằng 1/40 con số thực tế.

Tháng 6 năm ngoái, Fed thông báo rằng tất cả các ngân hàng tham gia stress test đều đậu.

Theo Yên Khê – VietnamBiz

Giữa khủng hoảng ngân hàng, xuất hiện dự báo giá vàng lên 2.600 USD/oz

Hải Phòng: Vinhomes là nhà đầu tư duy nhất đăng ký xây khu đô thị hơn 23.000 tỷ đồng